Thấm nhuần tư tưởng của V.I.Lênin “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đấu tranh chống phản cách mạng, bảo vệ chính quyền. Trong suốt quá trình lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã đưa ra những tư tưởng chỉ đạo, phương hướng và biện pháp hành động thích hợp với những điều kiện phức tạp của cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền ở nước ta. Vận dụng sáng tạo và nhuần nhuyễn các nguyên lý của phép biện chứng duy vật macxít kết hợp với các yếu tố biện chứng của triết học phương Đông,qua đó, Người đã hình thành hệ phương pháp luận biện chứng mang đậm dấu ấn riêng của mình trong lãnh đạo bảo vệ an ninh, trật tự. Phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh soi đường cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn để toàn Đảng, toàn dân nói chung và Công an nhân dân nói riêng học tập, phát huy trong điều kiện mới.
Bài viết này góp phần khẳng định một số nội dung bước đầu về phương pháp biện chứng Hồ Chí Minh trong bảo vệ an ninh trật tự.
1. Biện chứng trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, công cụ chuyên chính của nhà nước dân chủ nhân dân
Giáo sư Singô Sibata, nhà sử học Nhật Bản cho rằng: “...một trong những đặc điểm của phương pháp tư tưởng của Người là luôn luôn nắm vững quá trình tư duy biện chứng, nắm vững một cách chính xác, và cùng một lúc, tính phổ biến cũng như tính đặc thù”. Để xây dựng một chế độ mới, Hồ Chí Minh đã xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa thực tiễn và lý luận, giữa cái riêng và cái chung.
Quán triệt quan điểm của C.Mác: "Ở mỗi dân tộc, lý luận bao giờ cũng chỉ được thực hiện theo mức độ mà nó là sự thực hiện những nhu cầu của dân tộc ấy", Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát từthực tiễn dân tộc và thời đại để định hướng cho tư duy và hành động. Trong xây dựng nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân, phương pháp biện chứng giúp Hồ Chí Minhphát triển chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước, tránh giáo điều, rập khuôn,đồng thời cũng tránh để không rơi vào cơ hội, xét lại.
Tiếp thu những luận điểm cơ bản, phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh khẳng định phương pháp bạo lực cách mạng là tất yếu để giành và giữ chính quyền. Sau khi đập tan nhà nước thống trị là công cụ của đế quốc và phong kiến để áp bức nhân dân, cần thiết phải thiết lập một nền chuyên chính thực sự, cùng với nó là các lực lượng bạo lực trấn áp để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, ý đồ "khôi phục chính quyền và chế độ tư hữu của bọn lóc bột". Chỉ có lực lượng công an, quân đội, cảnh sát ra đời mới có thể áp dụng và sử dụng những biện pháp đặc biệt, nghiêm ngặt, những phương tiện thủ đoạn đặc biệt để đấu tranh có hiệu quả với mọi sự kháng cự, chống đối, phá hoại của bọn phản cách mạng. Người viết: “Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra chính phủ mới, quân đội, công an, toà án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”. “Dân chủ và chuyên chính đi đôi với nhau. Muốn dân chủ thực sự thì phải chuyên chính thực sự, vì không chuyên chính thực sự, bọn thù địch sẽ làm hại dân chủ của nhân dân, vì nhân dân có tin yêu công an thì mới giúp công an thực sự chuyên chính với địch”.
Tuy nhiên, từ phân tích những mâu thuẫn cơ bản trong lòng xã hội Việt Nam, thấy được mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn dân tộc, xuất phát từ đặc trưng riêng có trong giá trị tinh thần truyền thống người Việt - chủ nghĩa yêu nước chân chính là động lực lớn để xây dựng và bảo vệ đất nước, Hồ Chí Minh phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp và chuyên chính vô sản. Nếu lý luận Mác-Lênin khẳng định việc giải phóng giai cấp được đặt lên hàng đầu, “hãy xóa bỏ tình trạng người bóc lột người thì tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”, thì Hồ Chí Minh lại kết hợp giữa yêu cầu giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp, trong đó “Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết”. Vì vậy, trong khi Lênin nhấn mạnh chuyên chính của giai cấp vô sản thì Hồ Chí Minh quan niệm chuyên chính là chuyên chính của nhân dân.
Người khẳng định: “Nhà nước cũ nằm trong tay đế quốc và phong kiến, tính chất nó là đế quốc và phong kiến, là phản động. Nhà nước ta ngày nay là nằm trong tay nhân dân chống đế quốc và phong kiến. Tính chất nó là nhân dân dân chủ chuyên chính. Nhân dân là: bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản và tư sản dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và của Đảng, các giai cấp ấy đoàn kết lại, bầu ra chính phủ của mình. Đối với nội bộ nhân dân thì thực hành dân chủ. Đối với đế quốc, phong kiến và lũ phản động, thì thực hành chuyên chính chống lại chúng, đàn áp chúng”[1].
Bằng phương pháp biện chứng trong xử lý mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, giữa cái riêng với cái chung, khẳng định tính chất của nhà nước ta là nhà nước nhân dân dân chủ chuyên chính, Hồ Chí Minh đã giải quyết khoa học, sáng tạo nhiều vấn đề vấn đề bản chất của Công an nhân dân Việt Nam.
Về lý luận, công an nói chung đều là công cụ chuyên chính của một nhà nước nhất định, bảo vệ lợi ích cho một nhà nước nhất định, cho nên bản chất giai cấp của nhà nước sẽ quyết định bản chất giai cấp của lực lượng công an. Nhà nước ta là nhà nước chuyên chính dân chủ nhân dân. Công an nhân dân Việt Nam mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời mang tính nhân dân sâu sắc.
Bản chất giai cấp công nhân của công an Việt Nam thể hiện ở chỗ công an phải “phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới”, “công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng thì khéo mấy cũng không hiệu quả”. Công an phải thường trực chiến đấu, kiên quyết đấu tranh với tội phạm: “Công an đánh giặc thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hoà bình càng nhiều việc hơn". Công an cần “phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, tức là hãy nghĩ đến lợi ích chung, lợi ích toàn dân trước đã, phải chống chủ nghĩa cá nhân”.
Tính nhân dân của Công an Việt Nam là sự khác biệt cơ bản của trong so sánh về bản chất với các cơ quan cảnh sát, công an các nước khác. Theo Hồ Chí Minh, “Công an của ta là Công an nhân dân, vì dân phục vụ và dựa vào dân mà làm việc”. Vì dân, phục vụ dân nên "Làm công tác chính quyền, công an hay quân đội đều làm đầy tớ của dân cả, vì chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do dân làm chủ”. Dựa vào dân là bởi bảo vệ an ninh trật tự là sự nghiệp của toàn dân, “khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”.
2. Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập, xác định rõ bạn - thù
Theo quan điểm macxít, quy luật thống nhất và đấu tranh của các mặt đối lập là quy luật cơ bản nhất của phép biện chứng duy vật, bởi mâu thuẫn là hiện tượng phổ biến của mọi sự vật, hiện tượng và đấu tranh để đi tới chuyển hoá giữa các mặt đối lập của mâu thuẫn là nguồn gốc của vận động và phát triển.
Mâu thuẫn có nhiều loại với bản chất khác nhau: có mâu thuẫn bên trong và bên ngoài, cơ bản và không cơ bản, chủ yếu và thứ yếu, đối kháng và không đối kháng. Vì vậy, phân tích mâu thuẫn là điều kiện để nhận thức đúng sự vật. Trong đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự, có nhận thức, phát hiện đúng mâu thuẫn mới xác định rõ ràng, khoa học đâu là bạn đồng minh, đâu là kẻ thù để đề ra chủ trương, biện pháp giải quyết đúng đắn.
Hồ Chí Minh chính là một bậc thầy trong nhận thức, phát hiện và xử lý mâu thuẫn. Trong quá trình bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã nhận thấy mâu thuẫn lớn nhất trên thế giới lúc bấy giờ là mâu thuẫn giữa những người bị bóc lột và những kẻ bóc lột, không phân biệt màu da, dân tộc, không phân biệt châu Á hay châu Âu. Người nói: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản không trừ một dân tộc nào, không phân biệt người vô sản ở chính quốc với người vô sản ở thuộc địa bởi chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc với người vô sản ở thuộc địa. Do chỉ rõ mâu thuẫn nên Hồ Chí Minh bao giờ cũng chỉ đúng kẻ thù. Vượt qua hạn chế của các phong trào yêu nước chống Pháp trước đây, Người phân biệt thực dân Pháp là kẻ thù của cách mạng với những người lao động Pháp, đồng minh của cách mạng giải phóng dân tộc. Người rất khâm phục các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nhưng chỉ ra sai lầm trong chủ trương cứu nước của các ông là chưa phân biệt rõ bạn thù. Vì chưa phân biệt rõ bạn thù nên: Cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp chẳng khác nào “đuổi hổ ra cửa trước, rước beo vào cửa sau”; Cụ Phan Chu Trinh chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến” chẳng khác nào “xin giặc rủ lòng thương”.
Vận dụng phép biện chứng duy vật vào phân tích xã hội thuộc địa, nửa phong kiến Việt Nam đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã phát hiện ra hai mâu thuẫn cơ bản: một là, mâu thuẫn vốn có của xã hội phong kiến là mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến (mâu thuẫn giai cấp) và hai là, mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn thực dân xâm lược Pháp (mâu thuẫn dân tộc). Tuy xã hội Việt Nam bấy giờ tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản, nhưng mâu thuẫn nổi lên gay gắt nhất, trở thành mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc và bọn tay sai. Từ mâu thuẫn chủ yếu đó, vấn đề giải phóng dân tộc là vấn đề nổi lên hàng đầu, trở thành nhiệm vụ trung tâm của cách mạng. Xuất phát từ nhận thức sâu sắc về động lực vĩ đại và duy nhất thúc đẩy xã hội Việt Nam là chủ nghĩa yêu nước chân chính, Hồ Chí Minh đã nêu lên đường lối chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, mở rộng đến biên độ tối đa các lực lượng có thể tập hợp được tạo thành sức mạnh làm nên Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi đó là sự thể hiện phép biện chứng của Hồ Chí Minh trong xử lý mối quan hệ giữa mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn chủ yếu trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam, khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo của Hồ Chí Minh trong phân biệt rõ bạn thù và thêm bầu bạn, bớt kẻ thù.
Hồ Chí Minh linh hoạt và tùy vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xác định mâu thuẫn. Vào những năm 20 của thế kỷ XX, khi bọn đế quốc và bọn phong kiến Việt Nam cấu kết với nhau để áp bức bóc lột nhân dân Việt Nam, thì Người xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam là chống đế quốc phong kiến. Song khi điều kiện thay đổi là vào thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II khi Nhật nhảy vào Đông Dương thì mâu thuẫn chủ yếu mà người xác định là mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp và phát xít Nhật. Như vậy, qua mỗi sự chuyển biến lại hình thành những mâu thuẫn mới, nhưng Hồ Chí Minh luôn chỉ ra được các mâu thuẫn cụ thể làm cho cách mạng Việt Nam bao giờ cũng xác định được mục tiêu cụ thể, cô lập được kẻ thù, tranh thủ được các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.
3. Biện chứng giữa cái "bất biến" và cái “vạn biến"
Đây là một tư tưởng biện chứng hết sức sâu sắc của triết học phương Đông, xuất phát từ quan niệm vạn vật sinh hoá đều do điều lý (quy luật) chi phối, nếu nắm được điều lý của vũ trụ thì có thể điều khiển được mọi biến hoá của trời đất (hiện tượng), nghĩa là có thể lấy cái bất biến chế ngự được cái vạn biến, lấy tĩnh chế động, lấy nhu thắng cương...
Phép biện chứng duy vật macxít cũng đã đề cập đến các cặp mâu thuẫn và thống nhất, vận động và đứng im, nhưng mối quan hệ giữa bất biến và vạn biến trong phép biện chứng của Hồ Chí Minh có nguồn gốc chủ yếu từ trong triết học phương Đông và Việt Nam. Xưa Lý Thánh Tông, khi đi lo việc biên cương ở phương Nam, có dặn lại nhiếp chính Ỷ Lan một câu: "Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định", ý nói cứ lấy nhất tâm bất biến (là một lòng lo giữ việc nước) thì có thể đối phó với vạn biến (dù có dữ dội như sấm sét).
Vậy ta hiểu "dĩ bất biến ứng vạn biến" mà Hồ Chí Minh nói đến là gì? Theo cách nói của triết học, có thể hiểu "bất biến" là quy luật, vì chỉ có quy luật (tự nhiên, xã hội, tư duy) là tồn tại lâu đài, là hầu như bất biến, còn "vạn biến" là hiện tượng, là sự biểu hiện đa dạng của quy luật, cho nên có thể đưa vào quy luật mà lý giải hiện tượng hay ngược lại, từ phân tích vô vàn hiện tượng có thể tìm ra quy luật tương ứng.
Trước khi sang Pháp đàm phán, Người chỉ dặn lại cụ Huỳnh có một câu: "Mong cụ ở nhà: dĩ bất biến, ứng vạn biến". Ta hiểu đó là Người nói đến mối quan hệ giữa mục tiêu và phương pháp, nguyên tắc và sách lược. Mục tiêu của chúng ta là độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do hạnh phúc của nhân dân, đó là điều bất biến còn phương pháp - sách lược có thể tuỳ tình hình mà biến hoá đa dạng, thay đổi linh hoạt, nhưng không được xa rời cái bất biến. Người nói: Mục đích bất di bất dịch của ta vẫn là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt. Các công tác phải phối hợp và liên hệ với nhau, bộ phận phối hợp với toàn cục, v.v.. Mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh”[2].
Biện chứng giữa cái “bất biến” và cái “vạn biến” được Hồ Chí Minh thể hiện trong những quan điểm về bảo vệ an ninh trật tự. Ý nghĩa sâu xa của triết lý biện chứng này là trong công tác công an nên nắm giữ cái lớn lao, đừng có sa vào những cái vụn vặt nhất thời, nên đứng ở mấu chốt (cái bất biến) mà quan sát, từ đó ứng phó với sự biến đổi của tình huống. Nói cụ thể, trong công tác bảo vệ an ninh trật tự, đấu tranh với âm mưu, hoạt động phản cách mạng phải nhận ra đâu là bản thể trong cái hiện tượng, đâu là cái vĩnh hằng trong cái tạm thời, đâu là cái không thay đổi trong cái thay đổi, đâu là cái toàn thể trong cái cục bộ, đâu là cái bất biến trong cái vạn biến,...; còn nếu không, rất dễ lạc vào cái mê cung, lạc vào rừng rậm của những sự kiện lẻ tẻ, vụn vặt mà bị động, chạy theo sự kiện không biết đường ra.
Tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông “trước hết hãy chiếm lấy lòng dân, sau mới chiếm thành trì của địch”, kế thừa bài học giữ nước của dân tộc: “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”, Hồ Chí Minh khẳng định cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự có cái “bất biến” đó là sự ủng hộ của dân, sức mạnh của dân khi được giác ngộ, tổ chức lại. Nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, nhân dân giúp đỡ ta ít thì thành công ít, nhân dân giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Theo Người, “Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có mấy chục triệu tai mắt tay chân. Biết dựa vào dân thì việc gì cũng xong”. Cái mấu chốt quyết định thắng lợi của bảo vệ an ninh trật tự là “lòng dân”: “Công tác công an có nhiều bí mật. Trong cuộc đấu tranh có nhiều việc ta giấu địch và địch cũng giấu ta, nhưng có việc ta không giấu mà địch vẫn không học nổi”[3]. “Trong công tác, kẻ địch cũng rút kinh nghiệm, cho nên địch có cải tiến công tác của nó, nhưng có một điều cơ bản nó không học nổi, đó là học lấy lòng dân”[4]. Rõ ràng, củng cố thế trận lòng dân, dựa trên nền tảng nhân dân chính là chăm sóc và làm sâu gốc, bền rễ cái bất biến, cái tĩnh để ứng phó với cái vạn biến là sự thay đổi của âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khi đế quốc Mỹ và tay sai tung gián điệp biệt kích ra phá hoại miền Bắc. Được báo cáo tình hình về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của địch, Hồ Chí Minh đã cho chỉ thị ngắn gọn: “Các chú phải quét nhà cho sạch để sẵn sàng đón loại khách không mời mà đến”. Tư tưởng thiên tài của Người cũng chính là phương châm phòng chống gián điệp biệt kích mà Đảng ta đề ra: “giữ bên dưới là chính, giữ bên trong là chính”. Có thể nói, đây là sự thể hiện tư tưởng biện chứng “dĩ bất biến ứng vạn biến”: giữ vững chắc nội bộ, tạo nên bức tường đồng vách sắt, tạo mạng lưới “thiên la địa võng” nhân dân để chủ động phòng ngừa, phát hiện, tấn công địch./.
NGUYỄN CAO SƠN
Nguồn: Tạp chí Giáo dục Lý luận chính trị quân sự - Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, số 4/2015.
0 Nhận xét