Home » Archives for 2017-05-14
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh
08:27 |Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng lỗi lạc, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam. Người đã để lại kho tàng lý luận vô cùng quý giá cho Đảng và Nhân dân ta, trong đó có một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh do GS. TS. Tô Lâm làm (chủ biên) và tác giả Nguyễn Việt Hùng sẽ hệ thống và phân tích cụ thể những nội dung tư tưởng đó của Người.
Cuốn sách được kết cấu gồm 3 chương, tập trung đi sâu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn về cơ sở hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh; cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò và phương pháp phát huy vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Qua đó, cuốn sách đã làm nổi bật những giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh ở nước ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh gắn liền với tiến trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Chương I của cuốn sách với tiêu đề Cơ sở, quá trình hình thành cũng như quá trình phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh đã phân tích làm rõ những cơ sở thực tiễn, tiền đề lý luận hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Từ đó cho thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân nói chung và vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh nói riêng là kết quả của việc kế thừa và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Đặc biệt là việc vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò sáng tạo lịch sử của quần chúng Nhân dân vào trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Tư tưởng đó của Người được hình thành từ đặc điểm, điều kiện, yêu cầu lịch sử của cách mạng Việt Nam và từ chính hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh được hình thành, phát triển về căn bản, toàn diện và đi tới hoàn thiện trong thời kỳ từ 1945-1969.
Chương II: Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh tập trung làm rõ những nội dung tư tưởng của Người về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh với những điểm quan trọng như: giữ gìn trật tự, an ninh là nhiệm vụ của Nhân dân; Nhân dân là cội nguồn của mọi sức mạnh trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh; Nhân dân vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh; Nhân dân là lực lượng quyết định sự thành công của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh với những quan điểm của Hồ Chí Minh về Nhân dân, về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Trong đó, quan điểm Nhân dân vừa là mục tiêu, vừa là chủ thể của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh có mối quan hệ biện chứng với nhau. Nhân dân là mục tiêu quan trọng của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh, nghĩa là đối tượng bảo vệ của sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Song đồng thời, Nhân dân cũng trực tiếp là lực lượng tham gia vào sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Nhân dân đã trở thành một chủ thể quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Từ những nội dung quan trọng đó, cuốn sách đã đi tới khẳng định những giá trị to lớn mang tính lý luận và thực tiễn của Người về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh ở nước ta hiện nay, đó là tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, là cơ sở để xây dựng mối quan hệ giữa lực lượng công an với Nhân dân và tư tưởng đó vẫn mãi trường tồn và trở thành kim chỉ nam định hướng cho Đảng ta đề ra đường lối và phương pháp phát huy vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh đúng đắn, khoa học. Tất cả những giá trị to lớn đó sẽ được trình bày, phân tích cụ thể trong Chương III: Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh ở nước ta hiện nay của cuốn sách.
Với những nội dung mang tính lý luận sâu sắc, cuốn sách làm nổi bật những nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh. Nhờ có tư tưởng của Người soi sáng, dẫn đường mà Đảng ta đã có nhận thức và xây dựng được những phương pháp phát huy vai trò to lớn của Nhân dân trong sự nghiệp giữ gìn trật tự, an ninh của Tổ quốc một cách đúng đắn, sáng tạo. Cuốn sách là nguồn tư liệu tham khảo, học tập có giá trị giúp chúng ta hiểu hơn về một tư tưởng lớn nữa của Người.
Khai mạc triển lãm sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân và Quân đội nhân dân”
08:23 |Sáng 16/5/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân (CAND) tổ chức Lễ khai mạc triển lãm sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Công an nhân dân và Quân đội nhân dân” chào mừng kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và giới thiệu cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ CAND” của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh – người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang; trong suốt cuộc đời của mình, Người luôn dành sự quan tâm, chăm lo, giáo dục, rèn luyện lực lượng CAND cách mạng, từng bước trưởng thành về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CAND đã trở thành di sản thiêng liêng, là nền tảng tinh thần làm nên những chiến công to lớn, thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Người từng dặn: “Bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm Công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý, lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn…”.
Trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an luôn quan tâm đến việc cung cấp sách, báo phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần, thông tin, nghiên cứu, học tập và nâng cao kiến thức toàn diện cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND. Hiện nay, mô hình và phương thức hoạt động của hệ thống thư viên, phòng đọc, tủ sách trong CAND đang phát huy tác dụng tích cực, góp phần duy trì, phát triển văn hóa đọc, giúp CBCS CAND thường xuyên nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ sách, báo là kho tàng tri thức của nhân loại, giữ vai trò to lớn trong sự phát triển của xã hội; Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ và các học viện, trường CAND bố trí để CBCS, học viên được tham quan triển lãm sách, coi đây là đợt sinh hoạt chính trị nhằm tuyên truyền để CBCS, học viên có dịp tìm đọc những cuốn sách viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với CAND qua đó tìm hiểu, học tập tư tưởng, đạo đức, phòng cách của Người, rèn luyện mình về tư cách người CAND cách mệnh theo 6 điều Bác Hồ dạy.
Các đơn vị báo chí, xuất bản, thư viện, phòng đọc trong CAND phải tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng các tài liệu, ấn phẩm phát hành; xây dựng nguồn tài liệu phong phú, đa dạng, đảm bảo phục vụ kịp thời và đáp ứng nhu cầu về văn hóa đọc của CBCS. Có nhiều hình thức hoạt động thích hợp để tuyên truyền quảng bá về văn hóa đọc, tổ chức triển lãm, giới thiệu sách, tổ chức các hoạt động trong các học viện, nhà trường, các đơn vị trong và ngoài lực lượng CAND về văn hóa đọc. Mở rộng sự liên thông, kết nối giữa các thư viện trong CAND nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tư liệu, tài liệu, cập nhật thông tin trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa xã hội…
Tổng cục Chính trị CAND cần làm tốt vai trò tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an triển khai thực hiện Đề án “phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ trong CAND; xây dựng văn hóa đọc trong CBCS, học viên CAND để việc đọc sách thật sự trở thành nhu cầu, là thói quen của mỗi người để tích lũy kiến thức, nâng cao trình độ về mọi mặt…
*Tại Lễ khai mạc, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã giới thiệu cuốn sách “Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ CAND” của Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm.
Một vài hình ảnh tại Lễ khai mạc triển lãm sách:
(Theo Cổng TTĐT Bộ Công An)
08:15 |
ĐỊNH NGHĨA, ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ Ý NGHĨA HỌC TẬP TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
Định nghĩa và hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi nói khái niệm tư tưởng là nói đến một hệ thống quan điểm, lý luận mang giá trị như một học thuyết được xây dựng trên một thế giới quan và phương pháp luận nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của một giai cấp, một dân tộc, phù hợp với nhu cầu tiến hóa của thực tiễn nhất định, trở lại chỉ đạo và cải tạo thực tiễn đó.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đọc trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX viết: "Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu văn hoá nhân loại..."
. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 83.
.Định nghĩa trên là một bước tiến mới trong nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh, làm định hướng cho các nhà nghiên cứu tiếp tục đi sâu tìm hiểu về tư tưởng của Người, đặc biệt là xác định nội dung giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh với tư cách là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là bộ phận trung tâm của chuyên ngành "Hồ Chí Minh học" thuộc ngành Khoa học chính trị Việt Nam. Hồ Chí Minh đã xây dựng được hệ thống lý luận toàn diện về cách mạng Việt Nam phù hợp với thực tiễn của đất nước và dòng chảy thời đại. Hệ thống đó bao gồm một số nội dung cơ bản sau:
- Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người;
- Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;
- Sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc;
- Quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân;
- Quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân;
- Phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân;
- Đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư;
- Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau;
- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ trung thành của nhân dân...
Đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp và ý nghĩa học tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Đối tượng, nhiệm vụ
Đối tượng nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm hệ thống quan điểm, lý luận về cách mạng Việt Nam trong dòng chảy của thời đại mới mà cốt lõi là tư tưởng độc lập, tự do; về mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn của hệ thống quan điểm lý luận cách mạng Hồ Chí Minh; về mối liên hệ biện chứng trong sự tác động qua lại của tư tưởng độc lập, tự do với tư tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, về các quan điểm cơ bản trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trên cơ sở đối tượng, bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh, có nhiệm vụ đi sâu nghiên cứu làm rõ:
- Nguồn gốc, quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh;
- Nội dung, bản chất cách mạng và khoa học, đặc điểm của các quan điểm trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh;
- Vai trò nền tảng, kim chỉ nam hành động của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và giá trị tư tưởng của Người trong kho tàng tư tưởng, lý luận cách mạng thế giới của thời đại.
Phương pháp
Muốn nghiên cứu, học tập có kết quả, vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, cần nắm vững một số vấn đề cơ bản về phương pháp nghiên cứu sau:
- Chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử là cơ sở phương pháp luận khoa học để nghiên cứu, học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh ưu điểm lớn của học thuyết Mác là phép duy vật biện chứng. Phép biện chứng duy vật một phương pháp duy nhất khoa học là linh hồn của toàn bộ học thuyết Mác. Hồ Chí Minh thường nhắc nhở chúng ta phải đứng trên lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để tổng kết kinh nghiệm, phân tích một cách đúng đắn những đặc điểm của đất nước mới có thể dần dần hiểu được quy luật phát triển của cách mạng đến thắng lợi. Chính nhờ nắm vững phép biện chứng duy vật, Hồ Chí Minh từ rất sớm đã nêu vấn đề cần bổ sung "cơ sở lịch sử" của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà ở thời kỳ đó, Mác không thể có được; phải xem lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông. Với phương pháp biện chứng, khi nghiên cứu thực tiễn đất nước, lịch sử dân tộc Việt Nam, Người kết luận: "Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước"
, 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.1, tr. 466, 467.
; Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản là một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời. "Giờ đây, người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ"2. Điều này thể hiện sự sáng tạo của Hồ Chí Minh trong việc nắm vững và sử dụng phương pháp biện chứng duy vật của Mác.Phương pháp tư tưởng Hồ Chí Minh là phương pháp biện chứng duy vật, không giáo điều, rập khuôn, luôn luôn xem xét sự vật trong sự vận động và phát triển.
- Cùng với chủ nghĩa duy vật biện chứng, chúng ta cần vận dụng chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong nghiên cứu khoa học, theo V.I. Lênin, chúng ta không được quên mối liên hệ lịch sử căn bản, nghĩa là phải xem xét một hiện tượng nhất định đã xuất hiện trong lịch sử như thế nào, hiện tượng đó đã trải qua những giai đoạn phát triển chủ yếu nào và đứng trên quan điểm của sự phát triển đó để xem xét hiện nay nó đã trở thành như thế nào? Nắm vững quan điểm này giúp chúng ta hiểu được tư tưởng Hồ Chí Minh mang đậm dấu ấn của quá trình phát triển lịch sử, quá trình phát triển sáng tạo, đổi mới.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, có quan hệ thống nhất biện chứng nội tại của nó. Một yêu cầu về phương pháp luận khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh trên bình diện tổng thể hay từng bộ phận là phải luôn luôn quán triệt mối liên hệ qua lại của các yếu tố, các bộ phận khác nhau trong sự gắn kết tất yếu của hệ thống tư tưởng đó quanh hạt nhân cốt lõi là tư tưởng độc lập, tự do. V.I. Lênin cũng đã viết: "Muốn thực sự hiểu được sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả mối liên hệ và "quan hệ gián tiếp" của sự vật đó"
. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.42, tr. 364.
.- Hồ Chí Minh là một nhà lý luận - thực tiễn. Người xây dựng lý luận, vạch cương lĩnh, đường lối, chủ trương cách mạng và trực tiếp tổ chức, lãnh đạo thực hiện. Và từ thực tiễn Người tổng kết, bổ sung để hoàn chỉnh và phát triển, cho nên tư tưởng cách mạng Hồ Chí Minh luôn luôn sáng tạo, không lạc hậu, giáo điều. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ căn cứ vào các tác phẩm, bài viết mà cần coi trọng hoạt động thực tiễn của Người, thực tiễn cách mạng dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Đảng do Người đứng đầu. Hơn nữa, Hồ Chí Minh có một phong cách nói và viết rất ngắn gọn không theo lối viết kiểu hàn lâm. Vì vậy, chỉ căn cứ vào bài viết, bài nói, tác phẩm của Người là chưa đầy đủ. Hành động thực tiễn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu và dựng xây của nhân dân Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh cũng chính là lời giải thích rõ ràng giá trị khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Sự sáng tạo cách mạng của Hồ Chí Minh trước hết là sự sáng tạo về tư duy lý luận, về chiến lược, về đường lối cách mạng. Điều đó giữ vai trò quyết định hàng đầu dẫn đến thắng lợi cách mạng. Tư tưởng lý luận cách mạng Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển phong phú thêm lý luận cách mạng của thời đại, trước hết là về cách mạng thuộc địa. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã tỏa sáng vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, đến với những người nô lệ ở các nước phương Đông và người lao động làm thuê ở phương Tây.
Ý nghĩa học tập
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho Đảng và nhân dân Việt Nam trên con đường xây dựng đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vì vậy, phải nghiêm túc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để nâng cao tư duy lý luận, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, năng lực công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ cách mạng trọng đại của Đảng, của Nhà nước ta trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Đối với thế hệ trẻ nói chung, với học sinh, sinh viên trong các trường cao đẳng và đại học nói riêng, cần đặc biệt coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, đặc biệt là giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao lý luận, phương pháp tư duy biện chứng, góp phần đào tạo sinh viên thành những chiến sĩ đi tiên phong trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước Việt Nam đàng hoàng hơn và to đẹp hơn như Di chúc của Người để lại: "ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên".
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết"
. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t 12, tr. 510.
Xem: https://voer.edu.vn/m/dinh-nghia-doi-tuong-nhiem-vu-phuong-phap-nghien-cuu-va-y-nghia-hoc-tap-tu-tuong-ho-chi-minh/2d787dba
.(Bộ sách) Hồ Chí Minh toàn tập
07:57 |Phong cách làm việc Hồ Chí Minh
03:26 |Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho thế hệ sau một bài học quý báu: cách mạng là một khoa học, thực hành công việc là một khoa học. Nghĩa là làm cách mạng, thực hành công việc phải có phương pháp khoa học, lý thuyết khoa học thì mới thành công. Lý thuyết và phương pháp khoa học giúp Người đi sát thực tế, nắm bắt thời cơ để xác định đúngchủ trương và thực hiện thành công chủ trương ấy.
1. Làm việc có khoa học
Làm việc có khoa học, theo Người là "làm việc đúng hơn, khéo hơn", có kết quả; còn làm việc không có khoa học tức là làm việc "không đúng, không khéo", tùy tiện, gặp đâu làm đấy, nên thường mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm, hoặc không có kết quả, thậm chí thất bại. Theo Người: Nếu mỗi cán bộ, đảng viên làm việc đúng hơn, khéo hơn, thì thành tích của Đảng còn to tát hơn nữa. Cán bộ, đảng viên làm việc không đúng, không khéo thì còn nhiều khuyết điểm. Khuyết điểm nhiều thì thành tích ít. Khuyết điểm ít thì thành tích nhiều. Đó là lẽ tất nhiên.
Nước ta đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏlẻ, manh mún, vì vậy, cách làm việc của nhiều người còn theo lối thủ công, chưa khoa học. Đó là thói quen làm việc tự do, tùy tiện, được chăng hay chớ, thiếu điều tra, nghiên cứu, thiếu nhìn xa trông rộng, thiếu cụ thể, thiếu trật tự, bảo thủ, trì trệ, gâylãng phí thời giờ, tiền bạc và của cải, v.v.. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi người trong công việc phải kiên quyết khắc phục những hạn chế đó, đồng thời cócách làm việcphùhợp. Từ rất sớm, Người đã xây dựng vàthực hiện nghiêm túc phương pháp làm việc khoa học và thường xuyên hướng dẫn, chỉ bảo mọi ngườilàm theo. Làm việc có khoa học theo Người tập trung ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, phải cụ thể, kịp thời, thiết thực, phải có trọng tâm, trọng điểm, phải đi sâu, đi sát, phải kiểm tra để nắm người, nắm việc, nắm tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc là "phải chân đi, mắt thấy, tai nghe, óc nghĩ, miệng nói, tay làm"; phải cẩn thận mà nhanh nhẹn; phải làm đến nơi đến chốn; phải biết động viên mọi người, những bộ phận giúp việc, những người cộng sự. Đồng thời, còn phải biết phân công công việc cho hợp lý, chớ "người giỏi thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề rèn thì giao cho việc thợ mộc", "người viết giỏi lại dùng vào việc cần phải nói, người nói khéo nhưng viết xoàng lại dùng vào việc viết", v.v.. Ngoài ra,phải nắm được những thông tin cần thiết, chính xác, sàng lọc những thông tin sai lệch, để biết rõnhững người, những việc làm đúng, làm nhanh, làm hiệu quả và cả những người, những việc làm sai, làm dối, làm ẩu. Mặt khác, trong quá trình tiến hành công việc, phải kiểm tra, xem xét, đối chiếu, so sánh những cách làm khác nhau, những ý kiến khác nhau để chọn ra cách làm đúng, bỏ cách làm sai. Theo Người: "Nếu tổ chức việc kiểm tra cho chu đáo thì cũng như ngọn đèn "pha". Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ. Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra. Nếu tổ chức sự kiểm tra được chu đáo, thì công việc của chúng ta nhất định tiến bộ gấp mười gấp trăm"(1). Người còn dặn, cách làm việc phải thiết thực, suốt đời như vậy, trong từng ngày, từng giờ cũng phải như vậy.
Thứ hai, không tham làm nhiều trong một lúc, mà làm xong việc này mới sang việc khác, làm đến đâu chắc đến đó, làm từ việc gốc, việc chính, từ việc nhỏ đến việc lớn. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta thường tham lam làm nhiều việc trong một lúc. Thí dụ: Muốn lập một tỉnh kiểu mẫu thì thường hay dàn lực lượng ra làm cả tỉnh, không biết định cho mỗi huyện chọn một tổng làm kiểu mẫu, mỗi tổng chọn một làng làm kiểu mẫu. Thành thử, "ăn nhiều, nuốt không xuống". Chúng ta không biết tập trung lực lượng làm xong một nơi, lấy đó làm kinh nghiệm, rồi làm nơi khác"(2). Người phê bình cách làm việc ôm đồm, qua loa, đại khái, chiếu lệ, làm được ít suýt ra nhiều, để báo cáo cho oai, nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch. Theo Người, làm bất kỳ việc gì, phải bắt đầu từ gốc đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc.Cụ thể: "Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát,do dự"(3).
Thứ ba, làm bất cứ công việc gì cũng cần tránh bệnh chủ quan. Có thể mục đích, chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra rất đúng, nhưng do chủ quan trong quá trình thực hiện nên tiến hành không sát, không đúnglàm chokết quả công việc hạn chế, hiệu quả thấp, thậm chí thất bại. Cũng có thể do chủ quan, nên chương trình, kế hoạch làm việc đặt ra không sát, không cụ thể, không phù hợp, dẫn đếnkhi tiến hành công việc dù đã rất cố gắng, rất quyết tâm, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả không cao. Vì thế, trước khi làm bất kỳ việc gì cũng phải suy nghĩ, tính toán cho kỹ, xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử lý cho khéo, chớ nghĩ thế nào làm thế ấy, chớ nôn nóng, vội vàng, chớ làm bừa, làm ẩu. Theo Người: Gặp vấn đề gì ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy. Người căn dặn: "So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm"(4).
2. Làm việc phải xác định rõ phương hướng, mục đích
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm bất cứ việc gì, dù to hay nhỏ, trước hết phải xác định được phương hướng, mục đích thật rõ ràng, cụ thể và sát hợp. "Hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng. Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào"(5). Phương hướng, mục đích là dự kiến về kết quả đặt ra để hướng tới, để làm việc, phấn đấu trong công việc. Mục đích giống như người chỉ đường. Ngườilấy thí dụ: "Các anh em cần đi Sài Gòn, người chỉ đường chỉ cho anh em phải đi về phương Nam và đi qua những tỉnh Thanh Hóa, Vinh, Huế, Nha Trang chẳng hạn. Người chỉ đường chỉ có thể cho anh em được thế thôi. Đã có phương hướng sẵn, anh em cứ theo đó mà đi, đến tỉnh nào phải qua những con sông nào, những hòn núi gì, anh em sẽ tìm hỏi sau. Miễn là anh em biết theo phương Nam mà tiến chứ không lầm đường đi ngược lên Bắc rồi hóa đi tới Bắc Kinh là được"(6).
Mục đích lớn lao mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi và thực hiện là đem lại độc lập cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc cho đồng bào. Ở Người chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó"(7). Năm 1927, Người viết cuốn Đường cách mệnh, trong đó nói rõ: Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. Ai là bạn ta? Ai là thù ta? Cách mệnh thì phải làm thế nào? Sách này muốn nói cho vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ.
Ngay khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, với tư cách Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người huấn thị: Các công việc của Chính phủ phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưucầutự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nói: Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành.
Với mục đích giànhđộc lập, tự dochoTổ quốc, hạnh phúc chonhân dân, Người đã cùng toàn Đảng lãnh đạo nhân dân ta vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Đểđộng viên kinh tế cho cuộc kháng chiến chống Pháp, Người chỉ rõ mục đích là: Làm cho nước mạnh, dân giàu. Năm 1947, viết cuốn Đời sống mới, ngay ở trang đầu, Người cũng nói rõ mục đích: Tôi mong đồng bào mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới, v.v..
Phương hướng và mục đích trong từng giai đoạn của cách mạng nước ta thường được thể hiện thành nhiệm vụ mang tính chiến lược và đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu thành khẩu hiệu để mọi người nhớ và thực hiện. Trong Cách mạng Tháng Tám, Người nêu khẩu hiệu: "Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!". Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Người nêu khẩu hiệu: "Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!". Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người nêu khẩu hiệu: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!". Người yêu cầu khi nêu khẩu hiệu phải thể hiện rõ được mục đích. Người giải thích: Mục đích thì nêu ra nhiều khẩu hiệu quá. Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào. Thậm chí không ai nhớ được những khẩu hiệu đó. Vậy chỉ nêu ra vài khẩu hiệu chính, thiết thực và phổ thông.
Trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhắc nhở mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên và thanh niên rằng, làm bất cứ việc gì cũng phải xác định rõ phương hướng, mục đích. Phátbiểu tại Lễ tốt nghiệp Trường Quân chính Việt Nam, Người chỉ rõ: Thời kỳ huấn luyện này chưa thể cung cấp cho anh em những kiến thức đầy đủ và sâu rộng...; nó chỉ mới giúp được cho anh em những điều căn bản..., định rõ cho anh em một phương hướng đi cho khỏi lầm đường và thêm nữa gợi lòng ham muốn nghiên cứu của anh em. Phát biểu tại Lễ tốt nghiệp khóa V Trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người nêu: Trường huấn luyện đã giúp anh em biết phương hướng, biết nhắm mục đích mà đi. Như vậy anh em học ít nhưng bổ ích nhiều. Người phê bình một số cán bộ, đảng viên trong làm việc và công tác chỉ quen ra lệnh, ra chỉ thị, thường cao giọng với mọi người phải thực hiện mục đích này, mục tiêu nọ, mà không tính đến điều kiện thực tế, thậm chí ra chỉ thị, mệnh lệnh xong rồi quên, chỉ ra lệnh cho người khác làm, mình không chịu làm bất cứ việc gì, v.v..
3. Làm việc phải có chương trình, kế hoạch rõ ràng
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với mỗi công việc được giao, khi đã xác định rõ phương hướng, mục đích thì phải vạch ra chương trình, kế hoạch làm việc thật rõ ràng, cụ thể để thực hiện đạt kết quả. Chương trình, kế hoạch là dự án được thể hiện thành các chỉ tiêu, các biện pháp, các công việc chủ yếu nhằm thực hiện phương hướng, mục đích đã đề ra. Về cách làm việc có chương trình, kế hoạch, Ngườiminh họa: "Người thợ mộc muốn đóng một cái tủ. Trước hết, anh ta mài sẵn cưa, bào, tràng, đục, v.v. và làm sao xếp có thứ tự hẳn hoi. Rồi anh lấy gỗ vừa đủ làm cái tủ. Khi các thứ đều sẵn sàng, anh ta bèn bắt tay vào việc đóng tủ. Như thế là anh thợ mộc ấy làm việc có kế hoạch. Như thế là anh ấy sẽ không hao phí thì giờ, tốn lực lượng, mà việc lại mau thành. Trái lại, nếu anh ấy không sắp đặt sẵn sàng trước, khi cần đến cưa mới chạy đi lấy cưa, khi cần đến đục thì phải chạy đi tìm đục. Như vậy thì mất thì giờ chạy lăng xăng cả ngày, mà công việc được ít. Việc to, việc nhỏ, muôn việc đều như vậy. Vì vậy, siêng năng và kế hoạch phải đi đôi với nhau"(8).
Người nhấn mạnhxây dựng chương trình, kế hoạch làm việc cần phải cụ thể, thiết thực, rõ ràng, đúng mực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế; đồng thời phải làm cho từng người, từng gia đình, từng đơn vị được bàn bạc kỹ lưỡng để họ nắm vững, khi đã hiểu thấu đáo rồi thì họ sẽ tự giác và vui vẻ thực hiện. Ngoài ra, khi đặt chương trình, kế hoạch phải tuyệt đối tránh đơn giản, sơ sài, qua loa, đại khái, đồng thời cũng tránh đặt quá cao, quá phiền phức, miễn cưỡng. Người nói: Kế hoạch đặt ra để mình và mọi người thực hiện chứ không phải để chiêm ngưỡng, để đánh trống bỏ dùi. Nói tóm lại, kế hoạch phải thiết thực, phải làm được. Chớ làm kế hoạch đẹp mặt, to tát, kể hàng triệu nhưng không thực hiện được.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặntrong một lúc thường có nhiều công việc, có việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa, nên khi đã vạch ra chương trình, kế hoạch thì phải làm, phải thực hiện cho đạt kết quả. Tránh vạch ra rồi bỏ đấy, hoặc làm việc khác, thành thử không việc nào hoàn thành, mà đều dở dang. Nhiều trường hợp đã có chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách bố trí, sắp đặt công việc không khéo, phân công không rõ ràng, nên công việc không đạt kết quả. Vì vậy, cần phải suy xét cho kỹ, cho rõ tình hình, hoàn cảnh mà quyết định việc nào chính, việc nào phụ để sắp đặt công việc cho đúng, cho cụ thể và thiết thực. Người minh họa: "Cây gỗ bất kỳ to nhỏ, đều có gốc và ngọn. Công việc bất kỳ to nhỏ, đều có điều nên làm trước, điều nên làm sau. Nếu không có kế hoạch, điều nên làm trước mà lại để sau, điều nên làm sau mà đưa làm trước, như thế sẽ hao tổn thì giờ, mất công nhiều mà kết quả ít"(9).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình cách làm việc của nhiều người là bỏ nhiều công sức vào việc vạch ra chương trình, kế hoạch thật to tát, nhưng lại ít tìm cách để thực hiện cho đúng. "Chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực. Đặt ra kế hoạch và chương trình không xét rõ năng lực của những người thi hành kế hoạch và chương trình đó. Thành thử việc gì cũng muốn làm mà việc gì làm cũng không triệt để". Thậm chí, chương trình, kế hoạch này chưa làm xong đã vạch ra chương trình, kế hoạch khác; hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch làm việc, nhưng cách sắp đặt công việc không khoa học, thiếu biện pháp thích hợp và thiếu quyết tâm nên không thực hiện được. Ngườicăn dặn: "Chớ đặt những chương trình, kế hoạch mênh mông, đọc nghe sướng tai nhưng không thực hiện được. Việc gì cũng phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được"(10).
Người còn chỉ rõ: Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại. Ta thường có tính tới đâu hay đó, xong việc thì thôi không biết ưu điểm của mình, làm như thế mong tiến sao được. Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa. Để chương trình, kế hoạch thực hiện thành công, Người lưu ý rằng, bất cứ làm việc gì cũng đều phải chuẩn bị cho kỹ, có kế hoạch làm cho thiết thực, phải tổ chức thi hành cho đúng và phải chú ý đến những con người tiến hành công việc. "Vì chúng ta quên một lẽ rất giản đơn, dễ hiểu: tức là vô luận việc gì đều dongười làm ra, và từ việc nhỏ đến việc to, từ gần đến xa đều thế cả".
Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người cộng sự gần gũi và có nhiều năm công tác với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết: "Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình"(11).
_____________________
(1), (2), (3), (4), (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.637-638, 282, 69, 337, 271.
(5) , (6), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.122, 115-116, 272.
(8), (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.119, 118-119
(11) Phạm Văn Đồng: Học Chủ tịch Hồ Chí Minh-Chúng ta học gì?,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.32.
PGS,TS Lê Văn Yên
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia