Từ rất sớm, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã nhận thức được rằng muốn cứu dân tộc khỏi ách đô hộ, thống trị của bè lũ thực dân, phong kiến thì phải xây dựng được nhà nước mà ở đó người dân được hưởng những quyền “tự do, bình đẳng, bác ái”. Trong suốt thời gian hoạt động ở nước ngoài, bôn ba qua nhiều quốc gia, đi qua nhiều châu lục, Người đã tiếp thu, học hỏi khá nhiều tư tưởng về nhà nước và các cuộc cách mạng. Từ những học thuyết chính trị của giai cấp tư sản như Tinh thần pháp luật của Montesquieu; Khế ước xã hội củaRousseau … đến những tư tưởng tiến bộ về quyền con người được thể hiện trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp 1789, Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776 đã làm cho Người càng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của Pháp luật đối với việc xây dựng Nhà nước. Hơn hết, khi đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin và cuộc cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy con đường mang đến độc lập, tự do cho dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, xây dựng nên nhà nước thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Mong muốn đòi lại quyền tự do, độc lập của dân tộc không thể tách rời khỏi việc xây dựng một nhà nước dân chủ với pháp luật là công cụ đảm bảo lợi ích cho nhân dân. Chính vì thế, trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến hội nghị Vécxây năm 1919, thay mặt nhóm những người An Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đòi “thay đổi chế độ sắc luật bằng chế độ luật”. Trong Việt Nam yêu cầu ca người cũng đã viết: “Bảy xin Hiến pháp ban hành. Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[1]. “Thần linh pháp quyền” ở đây chính là sức mạnh do con người và vì con người. Đây chính là những tư tưởng rất sớm của Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của nháp luật đối với nhà nước. Và đó cũng là những quan điểm đầu tiên thể hiện những tư tưởng của người về xây dựng pháp luật dân chủ đi cùng với Nhà nước pháp quyền ở nước ta. Mối quan hệ giữa pháp luật với nhà nước trong tư tưởng của Người được thể hiện ở những điểm chính sau:
Thứ nhất, pháp luật là công cụ để thiết lập và thực thi quyền lực nhà nước. Khi nắm giữ trong tay quyền lực nhà nước, giai cấp nắm quyền sẽ sử dụng những công cụ, phương tiện để áp đặt ý chí của mình lên những giai cấp và tầng lớp khác. Trong những công cụ, phương tiện đó pháp luật chính là công cụ quan trọng nhất để nhà nước có thể thực hiện quyền lực của mình đối với toàn xã hội vì pháp luật có tính bắt buộc chung. Theo Hồ Chí Minh, luật pháp là vũ khí hữu hiệu của giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình, được đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội. Người chỉ rõ pháp luật có vai trò như vậy vì pháp luật là chuẩn mực của hành vi để nhân dân biết và thực hành những việc nên làm, những việc nên tránh. Người nói: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Vậy Chính phủ ra Quốc lệnh rõ ràng … cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”[2].
Quan điểm pháp luật là công cụ quan trọng nhất để thiết lập và thực thi quyền lực nhà nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là cơ sở để Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và phải làm cho pháp luật có hiệu lực trong thực tế. Trong một đất nước dân chủ, dân chủ và pháp luật phải luôn đi đôi với nhau, khi đó chính quyền mới trở nên mạnh mẽ. Nhà nước nghiêm cấm và trừng trị mọi hành vi trái pháp luật, không thể có dân chủ ngoài pháp luật. Mọi quyền dân chủ của người dân phải được thể chế bằng hiến pháp và pháp luật. Chính vì lẽ đó, ngay sau khi giành được độc lập, bên cạnh việc ký các sắc lệnh cho phép tiếp tục duy trì một số quy định của pháp luật cũ, Người đã đề ra yêu cầu phải ban hành sớm hiến pháp. Người nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v.. ”[3]
Hồ Chí Minh là người sáng lập Nhà nước dân chủ mới Việt Nam và cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Ở cuơng vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng dầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Cả hai bản Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 đều khẳng định mạnh mẽ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân lao động. Đây là tư tưởng thể hiện rõ tính chất của một nhà nước của dân, do dân, vì dân và cũng là cơ sở để những bản Hiến pháp về sau này như Hiến pháp 1980; Hiến pháp 1992 và gần đây nhất là Hiến pháp 2013 đều khẳng định quyền làm chủ của nhân dân lao động đối với Nhà nước. Hiến pháp 2013 nêu rõ: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân …”. Ở đây, điều kiện thực thi quyền làm chủ của nhân dân lao động đã được “hợp pháp, hợp hiến” hay nói cách khác, trên tinh thần “thần linh pháp quyền” pháp luật bảo hộ quyền làm chủ của nhân dân đối với nhà nước. Đây là cơ sở cao nhất cho toàn bộ hoạt động của nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam.
Thứ hai, pháp luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của nhà nước. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đã đề nghị “tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ”[4] để bầu ra Quốc hội rồi từ đó lập ra Chính phủ và các cơ quan bộ máy chính thức khác của nhà nước mới. Chỉ khi nào có được một nhà nước hợp hiến do nhân dân lập ra thì mới có cơ sở pháp lý vững chắc để làm việc với quân Đồng Minh, mới thiết lập được cơ chế quyền lực hợp pháp của nhà nước pháp quyền hiện đại. Người khẳng định: “Một Quốc hội được bầu ra bằng phổ thông đầu phiếu đã bảo đảm cho đất nước một Hiến pháp dân chủ”[5]
Ngày 6/1/1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ chủ tịch, với lòng yêu nước nồng nàn và khí thế hào hùng của cách mạng tháng 8, nhân dân ta từ Bắc tới Nam đã nô nức đi bầu cử, bất chấp sự phá hoại của các thế lực “thù trong, giặc ngoài”. Thắng lợi của cuộc bầu cử đã thể hiện rõ tính hợp pháp, hợp hiến của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Yếu tố hợp pháp và hợp hiến được thể hiện ở chỗ Quốc hội – Cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước phải do nhân dân bầu ra theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi giành được độc lập đã ra sắc lệnh ban bố quyền tự do bầu cử Nghị viện và Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian người giữ chức vụ cao nhất của Nhà nước, Người đã ký lệnh ban bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác.[6]Điều này cho thấy Người đã chủ trương xây dựng và hình thành nên một hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động nhà nước chặt chẽ.
Với tầm nhìn chiến lược về con đường cách mạng Việt Nam, sau khi giành chính quyền thành công Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rằng Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể là một chính quyền hợp pháp do chính quyền không được thành lập thông qua bầu cử, và đương nhiên cũng chưa có đủ cơ sở pháp lý vững chắc để ngồi vào bàn làm việc với quân Đồng minh. Chính vì lẽ đó, Bản tuyên ngôn độc lập ra đời là cơ sở pháp lý vững chắc đầu tiên công bố với thế giới rằng đất nước Việt Nam đã xóa bỏ chế độ thuộc địa và dân tộc Việt Nam đủ quyền và khả năng tự làm chủ đất nước của mình. Dựa trên cơ sở pháp lý về quyền tự quyết và ý nguyện của dân tộc, Bản tuyên ngôn đã tạo một sơ sở vững chắc để Chính phủ lâm thời trở thành hợp pháp, có thể tổ chức bầu cử, lập nên Nhà nước và từ đó xây dựng Hiến pháp chung của đất nước.
Bản Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa đã đặt nền móng khẳng định tính hợp pháp, hợp hiến của nhà nước ta. Điều này càng khẳng định hơn nữa tầm quan trọng của pháp luật với nhà nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Nó đã trở thành công cụ của cách mạng, bằng những đạo luật cơ bản để điều chỉnh các mối quan hệ trong một nước mới giành được độc lập. Từ đó cho Quốc tế thấy rằng Việt Nam đã có chủ quyền, ta đã đánh đuổi bè lũ thực dân, phong kiến giành lấy chính quyền, chống phát xít, thay đổi vận mệnh của dân tộc và đưa nhân dân lên làm chủ.
Thứ ba, pháp luật dân chủ là cơ sở thực hiện quyền con người. Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.”[7]. Tâm nguyện của người đã phản ánh khát vọng của nhân dân Việt Nam và là tôn chỉ hoạt động của nhà nước Việt Nam. Để làm đạt được điều đó toàn Đảng, toàn dân ta đang ra sức nỗ lực xây dựng và hoàn thiện nhà nước Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Pháp luật dân chủ là công cụ không thể thiếu để đảm bảo quyền con người.
Hồ Chí Minh luôn coi quyền con người là quyền cơ bản, thiêng liêng nhất. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Người đã trích dẫn lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Hồ Chí Minh coi quyền con người là quyền cơ bản, thiêng liêng và từ quyền con người Hồ Chí Minh đã suy rộng ra quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Với Hồ Chí Minh muốn thực hiện được quyền con người thì phải đảm bảo được quyền dân tộc.
Với việc thành lập một nhà nước mà về bản chất, nhà nước đó khác hoàn toàn so với các nhà nước trước đây trong lịch sử nước ta “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân”[8] Hồ Chí Minh đã khẳng định bản chất của nhà nước mới đó là một nhà nước mang tính nhân dân rộng rãi, nhân dân trở thành chủ thể của quyền lực nhà nước. Người khẳng định: “Bao nhiêu quyền hạn và lực lượng đều ở nơi dân”[9], điều này cho thấy ở nhà nước mới này người dân đã trở thành chủ thể của quyền lực nhà nước và trong nhà nước mà người dân là chủ đó, pháp luật phải là công cụ bảo đảm cho quyền của người chủ. Tức là pháp luật đó phải là pháp luật dân chủ, pháp luật bảo đảm cho quyền của con người. Điều này càng được thể hiện rõ hơn tại Điều 1 Hiếp pháp 1946: “Nước Việt Nam là Nhà nước dân chủ Cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp tôn giáo”.
Pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh là pháp luật nhân văn, pháp luật không phải để trừng trị con người mà là công cụ để bảo vệ và thực hiện lợi ích cho con người. Tư tưởng pháp luật vì con người của Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở các văn bản pháp luật mà còn thấm đượm trong từng hành động, biểu hiện của Người. Ở đây, pháp luật đối với Hồ Chí Minh là pháp luật nhân nghĩa, vì con người, do con người và phục vụ con người. Phục vụ con người tức là phục vụ cho nhân dân, cho đất nước và cũng chuyên chính với kẻ thù của nhân dân, với những kẻ muốn phá hoại thành quả của cách mạng. Người nói: “Pháp luật Việt Nam tuy khoan hồng với những người biết cải tà quy chính nhưng sẽ thẳng tay trừng trị những tên Việt gian đầu sỏ đã bán nước buôn dân”[10].
Pháp luật trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn bảo vệ cho quyền và lợi ích của nhân dân.. Người coi việc bảo vệ lợi ích cho nhân dân là việc phân định giữa pháp luật cũ và pháp luật mới. Pháp luật cũ là pháp luật của bè lũ thực dân, phong kiến, là thứ pháp luật chỉ biết phục vụ lợi ích cho giai cấp thống trị. Trái ngược với nó, pháp luật mới là pháp luật xã hội chủ nghĩa, là công cụ để giữ gìn quyền lợi cho nhân dân, Người khẳng định “Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới - (Chính phủ, pháp luật, công an, quân đội, vân vân) - là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”[11]
Pháp luật phục vụ cho nhân dân, cho đất nước nên chính vì thế, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xử lý nghiêm minh những hành vị vi phạm pháp luật của các cán bộ, công chức nhà nước “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”[12]. Trên thực tế, trong suốt thời gian làm Chủ tịch nước, Người đã chuẩn y án tử hình với hai cán bộ cao cấp của Nhà nước. Còn đối với những nạn nhân của chế độ cũ, tinh thần nhân văn trong pháp luật của Người được thể hiện rất rõ rang: “Đối với nạn nhân của chế độ cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, … thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”[13].
Trong Di chúc mà Người để lại cho chúng ta, Người đã chỉ rõ chúng ta đang thực hiện một cuộc chiến chống lại “những gì đã cũ kỹ, lạc hậu” và xây dựng “những cái tốt đẹp”. Ngày nay, vâng theo lời dạy của Người, chúng ta đang ra sức xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Bản Hiến pháp 2013 ra đời đánh dấu một bước chuyển đối với sự phát triển của đất nước trước thời kỳ hội nhập. “Xã hội luôn luôn biến đổi, tiến lên mãi không bao giờ thụt lùi. Luật pháp cũng tiến lên mãi không thụt lùi. Đó là quy luật”[14]quán triệt quan điểm của người, Đảng và Nhà nước ta cần nhận thức tốt hơn nữa, phát huy vai trò quản lý xã hội của Pháp luật, đảm bảo tốt quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần đưa đất nước ta phát triển ổn định, mạnh mẽ.
Hà Tiến Linh
Nguồn: Nguyễn Cao Sơn - Nguyễn Việt Hùng (đồng chủ biên): Vận dụng một số nội dụng khoa học chính trị trong công tác công an, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2016
0 Nhận xét