Văn hóa chính trị là tổng hợp những giá trị vật chất và tinh thần được hình thành và phát triển trong thực tiễn chính trị, góp phần chi phối, định hướng, đánh giá hoạt động của các chủ thể chính trị, đồng thời là động lực, phương thức của một nền chính trị phục vụ lợi ích căn bản của một giai cấp nhất định. Văn hóa chính trị có một vai trò to lớn trong đời sống xã hội, không chỉ thể hiện bản chất chính trị của một giai cấp mà còn là cơ sở, mục tiêu hướng đến của bất kì một nền chính trị dân chủ nào. Vì vậy, chính trị phải được nâng lên tầm văn hóa, phải đưa văn hóa vào chính trị. Chính trị của giai cấp vô sản là chính trị văn hóa vì nó thể hiện tính nhân văn sâu sắc, hướng đến con người, vì con người, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đến chủ nghĩa Mác-Lênin, nhận thức sâu sắc tính khoa học, cách mạng và giá trị nhân văn của học thuyết Mác-Lênin. Thông qua quá trình hoạt động cách mạng, Người đã truyền bá và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam luôn thể hiện sâu sắc yếu tố văn hóa trong đường lối chính trị hướng đến giải phóng con người. Đó là đường lối chính trị của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và đó là sức sống trường tồn của đường lối chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ngày nay, cùng với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, để xây dựng một nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì việc nghiên cứu và tìm hiểu văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết mang tính định hướng cho những quyết sách, chủ trương đường lối của Đảng trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa chính trị là một phạm trù rộng, tuy nhiên trong bài viết này chỉ đề cập đến những nội dung cơ bản sau.
Thứ nhất, lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh mang đậm tính nhân văn và dân tộc.
Lý tưởng mang tính nhân văn, đó phải là một lý tưởng xuất phát từ lòng yêu thương con người sâu sắc, nhất là lòng yêu thương đối với những con người bị đọa đày đau khổ, và hướng tới mục đích giải phóng con người. Ở Hồ Chí Minh, sự nghiệp chính trị của Người cũng hướng tới mục tiêu cao cả và khát vọng to lớn ấy. Người từng nói: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề…. là vấn đề ở đời và làm người, ở đời và làm người phải là thương nước thương dân, thương nhân loại bị áp bức”[1]. Như vậy lòng yêu thương con người ở Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở lòng thương cảm thông thường mà nó đã trở thành lẽ sống ở đời và làm người. Ban đầu, tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh đi từ tình yêu thương đối với nhân dân nghèo khổ bần cùng trong hoàn cảnh dân tộc bị nô lệ và áp bức. Nhưng rồi khi chứng kiến sự khổ đau của những con người ngay tại những nước khai ngôn ra lý tưởng về “tự do - bình đẳng - bác ái” thì tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh đã phát triển thành tình yêu thương với hết thảy những con người đồng cảnh ngộ, đang bị tước những quyền cơ bản làm người nhất. Từ đó, Hồ Chí Minh đã nâng lên thành lý luận về con người: “Vậy là dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”[2]và mục tiêu lý tưởng của Người là “Đi từ giải phóng nhiều người nô lệ, những người lao động cùng khổ đến giải phóng con người”[3].
Tính dân tộc trong lý tưởng chính trị Hồ Chí Minh được xuất phát từ lòng yêu nước nồng nàn mà theo Người đó là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Người nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước”[4].
Thứ hai, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh được biểu hiện ở năng lực hoạt động chính trị, năng lực tiếp thu những giá trị chính trị tiến bộ Đông - Tây một cách sáng tạo của Người.
Hồ Chí Minh luôn đề cao và nhấn mạnh đến yếu tố đạo đức của những người làm chính trị. Người đã sử dụng nhiều khái niệm của Nho giáo như: Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín, dũng, liêm… Song nhìn chung các khái niệm đó đã được “Việt hóa” và “hiện đại hóa”. Tiêu biểu là quan niệm “trung hiếu”, Nho giáo quan niệm “trung với vua, hiếu với cha mẹ”. Đến Hồ Chí Minh, trung - hiếu đã được mở rộng trong một ý nghĩa mới là: “trung với nước, hiếu với dân”. Bởi vậy nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá: sự tiếp thu Nho giáo ở Hồ Chí Minh giống như Mác tiếp thu phép biện chứng của Hêghen, và trở thành chân lý. Bằng sự thâu thái những giá trị tư tưởng và vô sản tiêu biểu trên thế giới, bằng thực tiễn hoạt động chính trị, Nguyễn Ái Quốc đã khảo sát, tìm hiểu cuộc cách mạng của nhân dân Mỹ, với tư duy chính trị sắc bén, Người đã tinh lọc từ cuộc cách mạng này những giá trị chính trị tiến bộ và cách mạng. Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776) đã khẳng định những giá trị về “quyền tự nhiên” của con người – quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc - những giá trị mà ở phương Đông lúc bấy giờ chưa có. Và chính Người đã đưa những giá trị này vào bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc mình, làm cơ sở để khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngoài ra trong tác phẩm “Đường cách mệnh” Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra: “Cách mạng Pháp làm gương cho chúng ta về những việc gì?” trong đó tiêu biểu là bài học về tập hợp lực lượng và ý chí đấu tranh. Người viết: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại. Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh”[5].
Bên cạnh hai cuộc cách mạng Mỹ, Pháp, Hồ Chí Minh còn ghi nhận những giá trị từ cuộc cách mạng dân chủ tư sản của Tôn Trung Sơn. Đó là: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Với năng lực vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin. Hồ Chí Minh đã từng khẳng định một cách chắc chắn: “Ngày nay, học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, song chủ nghĩa chắc chắn nhất, chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác-Lênin”[6]. Tuy nhiên điều cốt yếu là ở chỗ Hồ Chí Minh tin tưởng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, truyền bá chủ nghĩa và vận dụng chủ nghĩa ấy song đó hoàn toàn không phải là một sự vận dụng rập khuôn, máy móc, mà ngược lại Hồ Chí Minh đã phát triển một cách sáng tạo, đồng thời nâng chủ nghĩa Mác - Lênin lên tầm cao mới trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Trước hết, Hồ Chí Minh đã giải quyết một cách sáng tạo mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa. Người chỉ rõ: Chủ nghĩa đế quốc như con đỉa hai vòi, một vòi hút máu giai cấp vô sản ở chính quốc và một vòi hút máu giai cấp vô sản ở thuộc địa, do đó hai cuộc cách mạng này như “hai cánh của một con chim”và trong từng điều kiện cụ thể thì cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa có thể nổ ra trước, làm tiền đề thúc đẩy cách mạng ở chính quốc. Trong khi chủ nghĩa Mác – Lênin đề cao vấn đề giai cấp thì Người cho rằng vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc có mối quan hệ khăng khít và liên hệ với nhau một cách biện chứng, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện từng nước mà quy định vấn đề nào cao hơn vấn đề nào. Hồ Chí Minh còn thể hiện năng lực thâu nhận chủ nghĩa Mác-Lênin rất riêng, trong cách nhìn nhận, giải thích về chủ nghĩa Mác-Lênin, Người cho rằng: hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc - đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin và hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa.
Năng lực sáng tạo về phương pháp cách mạng. Là một nhà hoạt động chính trị thực tiễn chuyên nghiệp, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc điều này, bởi vậy ngay trong buổi đầu của cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã thể hiện năng lực sáng tạo, phương pháp vượt trội của mình, Người đã sáng tạo ra một hệ thống phương pháp cách mạng phong phú. Đó là: luôn lấy thực tế Việt Nam làm điểm xuất phát, lấy dân làm gốc, dĩ bất biến, ứng vạn biến, nắm vững thời cơ, biết thắng từng bước và sự kết hợp các phương pháp. Nhờ có phương pháp lấy thực tế Việt Nam làm điểm xuất phát mà những tinh hoa giá trị của nhân loại luôn được vận dụng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo phù hợp với yêu cầu cách mạng trong nước. Nhờ có phương pháp “lấy dân làm gốc” mà trong quá trình giành và giữ chính quyền, Đảng ta đã tập hợp được một lực lượng đông đảo quần chúng nhân dân, tạo nên khối đoàn kết toàn dân vững chắc. Nhờ có phương pháp “ Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà trong hoàn cảnh nào mục tiêu lý tưởng của Đảng và của toàn dân vẫn không hề thay đổi…
Thứ ba, văn hóa chính trị biểu hiện ở bản lĩnh chính trị và phong cách Hồ Chí Minh.
Bản lĩnh vượt lên những hạn chế của lịch sử: vượt qua lập trường phong kiến và phương thức chống giặc cổ truyền. Sinh ra và lớn lên giữa hoàn cảnh chế độ phong kiến đang ngự trị và tư tưởng Tôn quân án ngữ, song Nguyễn Tất Thành đã sớm thể hiện được thiên tư và bản lĩnh của mình trong cách nhìn nhận đối với lập trường phong kiến và phương thức chống giặc cổ truyền. Người đặc biệt đánh giá cao tinh thần yêu nước của các sỹ phu, chí sỹ yêu nước, nhưng Người cũng thẳng thắn phê phán tất cả các phong trào yêu nước “nặng cốt cách phong kiến” cho dù cốt cách đó có chiều dày án ngữ hàng ngàn năm. Người cho rằng: phong trào cứu nước của cụ Phan Đình Phùng dưới tư tưởng của giai cấp phong kiến đã thất thế sẽ không tập hợp được đông đảo lực lượng trong nước.Vượt qua lập trường dân chủ tư sản, Người cho rằng tư tưởng “ỷ Pháp cầu tiến” của Phan Châu Trinh chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương, còn tư tưởng cầu viện nước Nhật để chống Pháp của Phan Bội Châu thì đúng là “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Người tự chọn một đường đi cho riêng mình, đó là sang phương Tây, đến nước Pháp, đất nước của chính kẻ thù đang giày xéo lên Tổ quốc mình. Người đã đến tận hang ổ của kẻ thù xâm lược để “xem nước Pháp và các nước làm như thế nào rồi trở về giúp đồng bào”[7].
Bản lĩnh trong sự lựa chọn chủ nghĩa Mác-Lênin và đi theo con đường cách mạng vô sản. Đây là sự đúc kết của một quá trình suy ngẫm, so sánh, lựa chọn, phân biệt đúng hay sai, tiến bộ hay lạc hậu, phù hợp hay không phù hợp giữa rất nhiều tư tưởng và con đường cách mạng khác nhau. Sau gần 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tiếp xúc với những luồng tư tưởng, học thuyết khác nhau, song Người luôn tiếp thu một cách có phê phán nhằm tìm ra con đường cứu nước phù hợp. Để rồi, khi đến với Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, khảo sát cách mạng tháng Mười Nga, Người khẳng định: chính ngọn đuốc lý luận Mác-Lênin và cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại sẽ soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Sự lựa chọn này cùng với lịch sử đã khẳng định bản lĩnh chính trị Hồ Chí Minh.
Cả nhân loại tôn vinh Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất. Bằng năng lực hoạt động chính trị sáng tạo, độc lập, với một bản lĩnh phi thường, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành tư chất của một triết gia, một nhà tư tưởng lớn. Song không chỉ ở tư tưởng, học thuyết, cũng không chỉ là những kết quả có từ năng lực ấy, mà đó còn là phong thái, lối sống, hành vi - tất cả nổi bật lên phong cách Hồ Chí Minh.
Đặc trưng nổi bật của phong cách làm việc Hồ Chí Minh là dân chủ và khoa học. Phong cách làm việc dân chủ của Người đã luôn tạo ra không khí hăng hái sáng tạo và huy động được sức mạnh của cả tập thể. Phong cách làm việc của Hồ Chí Minh còn thể hiện qua thái độ của Người trước mọi biến cố và các sự kiện xảy ra. Đó bao giờ cũng là một thái độ bình tĩnh, tự tại để nhìn nhận và giải quyết công việc một cách hiệu quả và sáng tạo nhất. Theo như lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Ngay cả trong thời điểm khó khăn, khuôn mặt phờ phạc mệt mỏi vì suy nghĩ song cả con người Bác vẫn thể hiện sự điềm tĩnh và đôi mắt ấy vẫn toát ra sự nhanh nhạy, sáng suốt hiếm có.
Đã có nhiều lời đánh giá khác nhau về phong cách ứng xử Hồ Chí Minh, tất cả đều tựu trung lại ở hai chữ “Văn hóa”. Bởi dù đó là người nông dân, công nhân hay những chính khách, đó là nhân dân hay bè bạn và thậm chí với cả kẻ thù thì bao trùm toàn bộ phong cách ấy là sự tự nhiên, bình dị, cởi mở, chân tình, vừa chủ động, linh hoạt lại vừa ân cần tế nhị. Phong cách ứng xử đó thể hiện trước hết ở thái độ ân cần với mọi đối tượng và hơn cả sự tôn trọng thông thường - đó là sự quan tâm, trân trọng, yêu thương vô hạn đối với con người nói chung. Với nhân dân, Người trở nên gần gũi thân thiết như một người thân trong gia đình. Hai tiếng Bác Hồ mang đầy đủ ý nghĩa đó. Đối với cán bộ của mình, Người luôn ân cần niềm nở, vừa nhiệt tình thân ái vừa sẵn sàng phê bình nghiêm khắc, nghiêm khắc mà vẫn độ lượng, khoan dung. Đối với kẻ thù, đó là một thái độ “hết sức nhã nhặn, hết sức lịch sự và hết sức quyến rũ”. Không chỉ là thái độ ứng xử với đối tượng giao tiếp, ở Hồ Chí Minh còn nổi bật với phong cách tự ứng xử đối với bản thân. Đó là một thái độ khiêm nhường được Người nâng lên thành một phẩm chất văn hóa. Với tầm trí tuệ, năng lực xuất chúng song lại được biểu hiện thông qua một thái độ khiêm nhường đã làm cho sự vĩ đại ấy tỏa sáng. Và nhà nghiên cứu người Mỹ Gabrien Côncô đã gọi thái độ ấy là “phong cách dấu mình”.
Như vậy, văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là sự biểu hiện ở khả năng tích hợp của Người từ các dòng văn hóa chính trị Đông - Tây khác nhau, giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ và đương thời, từ đó tìm ra những nét tương đồng mang tính phổ quát để rồi từ dân tộc mà nhận ra nhân loại và từ nhân loại quay trở về với dân tộc, Nhà nghiên cứu Helen Tournaire đã nhận xét Người là hình ảnh hoàn chỉnh của “Sự khôn ngoan của đức Phật, lòng nhân từ của Chúa, triết học của Mác, tinh thần nhiệt tình cách mạng của Lênin và sự ung dung tự tại của một người chủ gia tộc... tất cả được hài hòa trong một dáng dấp tự nhiên”. Bởi thế, “Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một thứ văn hóa, không phải là văn hóa Châu âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”[8].
Nguyễn Thị Thu Trang – Học viện An ninh nhân dân
[1]. Nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nhà xuất bản Pháp Lý, 1990, tr.174.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2002, tập 1, tr. 266.
[3]. Người viết trong lời ra mắt của báo Người cùng khổ năm 1922.
[4]. Hồ Chí Minh: Sđd, t.6, tr171
[5]. Hồ Chí Minh: Sđd ,t.2, tr. 274
[6]. Hồ Chí Minh: Sđd, t .2, tr. 268
[7]. Ôxip Manđenstam: Thăm một đồng chí hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Báo ngọn lửa nhỏ, số 39, Liên Xô, ngày 23/12/1923.
[8]. Ôxip Manđenstam: Thăm một đồng chí hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, Báo Ngọn lửa nhỏ, số 39, Liên Xô, ngày 23/12/1923.
0 Nhận xét