Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định sơ bộ ngày 06-3-1946 với đại diện Pháp Sainteny. Ông Hoàng Minh Giám đọc bản hiệp định. (ảnh tư liệu) |
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhưng Nhà nước ấy chưa được thế giới công nhận. Trong khi đó, Hội nghị Pốt-xđam1 đã quyết định đưa quân đội Đồng minh vào Đông Dương để giải giáp quân Nhật. Theo đó, ở phía Bắc (từ vĩ tuyến 16 trở ra) giao cho quân đội Tưởng Giới Thạch và phía Nam (từ vĩ tuyến 16 trở vào) quân đội Anh đảm nhiệm. Tuy nhiên, cùng với đề ra biện pháp giải quyết các vấn đề liên quan tới các nước bại trận, Hội nghị còn tiến hành phân chia khu vực ảnh hưởng giữa các nước lớn. Tại đây, mối quan hệ Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít đã nhanh chóng bị phân hóa, thay vào đó là sự đối địch giữa Liên Xô và các nước đế quốc do Mỹ đứng đầu. Trong đó, các nước đế quốc đã thoả hiệp, nhân nhượng để thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam.
Thực hiện âm mưu đó, ngày 23-9-1945, núp bóng quân Anh, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, rồi đánh chiếm rộng ra cả Nam Bộ, Nam Trung Bộ và phần lớn Cam-pu-chia; đồng thời khống chế vùng nông thôn rộng lớn ở Lào,... từng bước thực hiện dã tâm xâm lược Đông Dương lần thứ hai. Nền độc lập mà dân tộc ta mới giành lại được phải đương đầu với nhiều kẻ thù, bị uy hiếp từ nhiều phía. Đầu năm 1946, tuy đã chiếm được tỉnh Lai Châu và một phần của tỉnh Sơn La, nhưng còn 20 vạn quân Tưởng chiếm giữ nên Pháp vẫn không thể thôn tính được miền Bắc. Để tránh xung đột, Pháp đã tìm cách thỏa hiệp với Chính phủ Trung Hoa dân quốc bằng Hiệp ước Trùng Khánh (ngày 28-02-1946).
Theo đó, chính quyền Tưởng Giới Thạch đồng ý cho quân Pháp thế chân giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương. Đổi lại, Pháp có những nhân nhượng về kinh tế và chính trị cho chính phủ Trùng Khánh. Rõ ràng, việc Pháp và Trung Hoa dân quốc ký kết Hiệp ước Trùng Khánh không chỉ phản ánh bộ mặt thật gian giảo của thực dân, đế quốc, mà còn chà đạp, xúc phạm đối với quyền độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, đi ngược lại tinh thần của Công ước Liên hiệp quốc đã được hơn 50 quốc gia ký kết trước đó. Với Hiệp ước đó, Pháp đã đạt được mục đích thay thế quân Tưởng một cách hòa bình mà không hề đếm xỉa đến lợi ích của nhân dân Đông Dương. Tuy nhiên, để đặt chân lên miền Bắc nước ta, Pháp vấp phải sự tồn tại của Chính phủ Hồ Chí Minh được quần chúng ủng hộ. Thực tế đó buộc Pháp phải tìm cách thương lượng với chính quyền cách mạng.
Hiệp ước Pháp - Hoa cũng đặt ra cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sự lựa chọn “khắc nghiệt”, hoặc là cầm vũ khí chiến đấu chống thực dân Pháp, không cho chúng đổ bộ lên miền Bắc; hoặc là hòa hoãn, nhân nhượng với chúng để tránh tình trạng cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù và tranh thủ được thời gian hòa hoãn, tiếp tục củng cố và phát triển lực lượng cách mạng. Ở thời điểm ấy, nếu cầm vũ khí chiến đấu chống lại quân Pháp, chúng ta có nguy cơ phải đối đầu với 20 vạn quân Tưởng còn hiện diện ở miền Bắc cùng bè lũ phản động do chúng dung dưỡng, trong khi thế và lực của ta còn non yếu. Với nhãn quan chính trị sắc sảo và sự nhạy bén trước chuyển biến mau lẹ của tình hình, khi cả hai đối phương đều cần đến phía Việt Nam để tìm một giải pháp có thể chấp nhận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời quyết định ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3 với những điều kiện có lợi nhất cho Việt Nam, phù hợp với cục diện tình hình và tương quan lực lượng cách mạng. Theo đó, nước Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong liên bang Đông Dương thuộc khối Liên hiệp Pháp và cam đoan thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ (Bắc, Trung, Nam). Đổi lại, Việt Nam đồng ý để Pháp đưa 15.000 quân vào miền Bắc (thay thế quân Tưởng) và sẽ rút hết sau 05 năm. Lúc đó, hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức; trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí. Đây là quyết định về sách lược đúng đắn, sáng tạo theo phương châm “hòa để tiến” của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm phân hóa, loại bỏ bớt kẻ thù để tập trung vào đối tượng chủ yếu trong tình thế tương quan lực lượng không có lợi cho ta. Do vậy, Hiệp ước Sơ bộ Việt - Pháp đã để lại những giá trị lịch sử và hiện thực sâu sắc.
Về mặt lịch sử, Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3 là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Pháp. Theo lôgíc đó, Hiệp định Sơ bộ đã chứng tỏ rằng: Việt Nam là một quốc gia sánh ngang hàng với Pháp, không còn là thuộc địa của Pháp và càng không cần đến sự bảo hộ của Pháp. Nhận xét về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ”2. Đồng thời, nó còn “mở đường cho sự công nhận của quốc tế... dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao”3. Dù chỉ là sự kiện trong khuôn khổ Việt - Pháp, nhưng đã khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm và hoan nghênh. Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP tại Trùng Khánh, Chu Ân Lai, đại diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng: “Đó là một việc làm khuôn mẫu cho các đế quốc ở Thái Bình Dương và châu Á”. Pandi Neru, lãnh tụ Đảng Quốc Đại (sau này là Thủ tướng Ấn Độ) bày tỏ quan điểm đồng tình; còn Van Mook, Toàn quyền Hà Lan tại In-đô-nê-xi-a đã cử người đến Hà Nội để tìm hiểu kinh nghiệm4. Như vậy, Hiệp định Sơ bộ đã tạo cơ sở pháp lý để nâng tầm vị thế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế.
Cùng với đó, việc chủ động ký Hiệp ước Sơ bộ đã tỏ rõ tầm nhìn, tư duy chiến lược sắc bén của Đảng ta về vận dụng điều kiện thực tiễn khách quan để chuyển hóa tình thế cách mạng. Trước mắt, với bản Hiệp định này, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ chỗ bị gạt ra ngoài thỏa thuận Pháp - Hoa, trở thành một bên chủ thể quyết định đến việc thực hiện các điều khoản thay quân trong Hiệp ước Trùng Khánh, để kết thúc về mặt pháp lý vai trò của quân Tưởng tại Việt Nam, theo quy định của Hội nghị Pốt-xđam. Đây là quyết định “nhất cử lưỡng tiện”, vừa tránh phải đối đầu với Pháp trong điều kiện bất lợi cả về thế và lực, vừa mượn tay Pháp đuổi 20 vạn quân Tưởng ra khỏi bờ cõi. Đó là đòn tiến công ngoại giao hết sức chủ động, sáng tạo, nhằm phân hóa kẻ thù, thúc đẩy chúng tự loại trừ lẫn nhau, tạo thuận lợi để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Nhân nhượng để cho 15.000 quân Pháp kéo ra miền Bắc là sự chia lửa với đồng bào miền Nam, tận dụng thời gian hòa hoãn để tập trung sức lực chuẩn bị thế trận cho cả nước bước vào kháng chiến với tinh thần: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng chiến đấu bất cứ lúc nào và ở đâu, mà hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”5. Tận dụng thời cơ đó, chúng ta đã có thời gian để xây dựng bộ máy chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh trong toàn quốc, xây dựng nền kinh tế - tài chính độc lập, đặc biệt là việc xây dựng Quân đội quốc gia, nâng tổng quân số lên khoảng 80.000 người và gần 01 triệu du kích, tự vệ vào giữa năm 1946 để vững bước tiến vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống quân xâm lược Pháp.
Như vậy, mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, Hiệp định Sơ bộ là bước đi cần thiết, hy sinh không gian để đổi lấy thời gian, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện để đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp khi chúng không có lực lượng Đồng minh tại chỗ hỗ trợ. Đánh giá về sự kiện trên, đồng chí Lê Duẩn viết: “Tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi cổ quân Tưởng và quét sạch bọn phản động tay sai của Tưởng, dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, điều mà Đảng ta biết chắc là không thể nào tránh khỏi. Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lênin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch về sự nhân nhượng có nguyên tắc”6.
Cùng với những giá trị về lịch sử, Hiệp định sơ bộ cũng để lại những giá trị hiện thực sâu sắc. Đó chính là quan điểm giữ vững nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về sách lược trong đấu tranh, đã và đang được Đảng ta vận dụng có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt hiện nay, với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, Đảng ta xác định rõ nguyên tắc chiến lược mang tính bao trùm là giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong một thế giới đang biến đổi sâu sắc, đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, phức tạp, Đảng đã chủ động điều chỉnh sách lược cho phù hợp với mục tiêu và yêu cầu hội nhập; nắm vững hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ quốc tế, tận dụng thời cơ, thúc đẩy hợp tác kết hợp với đấu tranh một cách hài hòa, linh hoạt để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; đồng thời, tránh đối đầu và rơi vào thế cô lập. Giữ vững độc lập, tự chủ, thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại. Chú trọng hợp tác khu vực, đồng thời mở rộng quan hệ với tất cả các nước, nhất là với các nước láng giềng, các nước lớn và các nước trong khu vực; chủ động tham gia các tổ chức đa phương trong khu vực và toàn cầu,... góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Mỗi bước mở rộng, đưa quan hệ hợp tác với các nước vào chiều sâu đều nhằm củng cố, tăng cường thực lực trong nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đó cũng chính là sự vận dụng sâu sắc bài học kinh nghiệm từ ký kết Hiệp định Sơ bộ của 70 năm về trước.
Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN BẠO, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Nguồn: Tapchiqptd.vn
___________________________
___________________________
1 - Hội nghị của các nước Đồng minh thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ 2 (họp từ ngày 16-7 đến 02-8-1945 tại Pốt-xđam, Đức).
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 228.
3 - Philippe Devillers - Tài liệu lưu trữ chiến tranh 1944-1947, Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr. 218.
4 - Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 72.
5 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 8, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 46.
6 - Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H. 1979, tr. 31.
0 Nhận xét