Học thuyết của Hồ Chí Minh về giải phóng và phát triển dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thể hiện tính cách mạng triệt để và tính nhân văn sâu sắc: giải phóng con người khỏi mọi sự áp bức về mặt dân tộc, sự bóc lột về mặt giai cấp và sự nô dịch về mặt tinh thần, mà trước hết là giải phóng con người khỏi sự áp bức dân tộc. Một trong những ưu điểm của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là chuẩn bị đầy đủ và đúng nguyên tắc. Là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kiến trúc sư của nền độc lập dân tộc và thể chế chính trị cộng hoà dân chủ Việt Nam, Hồ Chí Minh là biểu tượng của khát vọng độc lập tự do của dân tộc Việt Nam.
1. Xây dựng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản và phương thức khởi nghĩa dân tộc
Dưới ách thống trị của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam có nhiều mâu thuẫn đan xen nhau, song mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và tay sai phản động. Sự thống trị, áp bức và bóc lột càng tăng thì mâu thuẫn đó càng sâu sắc, sự phản kháng và và đấu tranh vì sự tồn vong của dân tộc càng phát triển, gay gắt về tính chất, đa dạng về nội dung và hình thức. Trong khi đó, sự xung đột về quyền lợi giữa các giai cấp trong nội bộ dân tộc được giảm thiểu và cuộc đấu tranh giữa các giai cấp không quyết liệt như cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc. Nhận thức được thực tiễn đó, từ những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận cách mạng vô sản vào Việt Nam, xây dựng lý luận cách mạng giải phóng dân tộc và truyền bá trong nhân dân. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người phân biệt hai loại cách mạng (giai cấp kách mệnh và dân tộc kách mệnh), đồng thời xác định tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn trước mắt là “dân tộc kách mệnh”.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo hết sức nhấn mạnh nhiệm vụ chống đế quốc trên cả hai phương diện chính trị và kinh tế: “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng ra Chính phủ công nông binh và tổ chức quân đội công nông”; “tịch thu toàn bộ các sản nghiệp lớn của bọn đế quốc giao cho Chính phủ công nông binh”; “tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc làm của công và chia cho dân cày nghèo”.
Vận dụng “phương pháp làm việc biện chứng” của C. Mác, Hồ Chí Minh phân tích thực tiễn xã hội Việt Nam thuộc địa, không coi thực chất của vấn đề dân tộc thuộc địa là vấn đề nông dân, cũng không xem nguyện vọng số một của nông dân Việt Nam thời thuộc địa là ruộng đất. Người nhấn mạnh yêu cầu khách quan của lịch sử cách mạng ở thuộc địa là giành độc lập tự do cho toàn dân tộc, mà chủ yếu là nông dân.
Trong quá trình vận dụng lý luận Mác - Lênin và thực tiễn cách mạng Việt Nam, đã xuất hiện khuynh hướng giáo điều, nên lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh bị phê phán và trải qua những thử thách khắc nghiệt trong nửa đầu những năm 30 của thế kỷ XX, nhưng Người đã cùng với Trung ương Đảng kiên trì và khéo léo vượt qua.
Tháng 5-1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng. Trên cơ sở phân tích tình hình quốc tế và trong nước, phân tích thái độ chính trị của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội Việt Nam, Hội nghị nêu rõ dưới hai tầng áp bức Nhật – Pháp, “quyền lợi của tất cả các giai cấp bị cướp giật, vận mạng dân tộc nguy vong không lúc nào bằng”. Thực dân Pháp và quân phiệt Nhật Bản không chỉ là kẻ thù của công nông, mà là kẻ thù chung của toàn dân tộc.
Hội nghị quyết định: "Cần phải thay đổi chiến lược” và chỉ rõ: "cuộc cách mạng ở Đông Dương hiện tại không phải là một cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là một cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp "dân tộc giải phóng"". Hội nghị phân tích: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được". Vì vậy, phải tạm gác khẩu hiệu "đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày". Quyền lợi của nông dân được giải quyết ở một mức độ thích hợp bằng việc thực hiện các khẩu hiệu: tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, chia lại ruộng đất công, giảm tô, giảm tức.
Hội nghị chủ trương giải quyết vấn đề dân tộc trong khuôn khổ từng nước ở Đông Dương, nhằm thực hiện chính sách “dân tộc tự quyết”. “Các dân tộc sống trên cõi Đông Dương sẽ tùy theo ý muốn, tổ chức thành liên bang cộng hòa dân chủ hay đứng riêng thành thành một dân tộc quốc gia tùy ý”. "Sự tự do độc lập của các dân tộc sẽ được thừa nhận và coi trọng"[1]. Cách giải quyết đó có tác dụng phát huy sức mạnh mỗi dân tộc trong cuộc đấu tranh tự giải phóng mình, đập tan những luận điệu xuyên tạc của kẻ thù về vấn đề dân tộc, đồng thời tạo điều kiện đoàn kết ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung.
Phương thức khởi nghĩa dân tộc được Hồ Chí Minh hết sức coi trọng. Người chủ trương toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy; bất kể già, trẻ, gai trai, dân, lính đều làm cách mạng. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) đề ra chủ trương khởi nghĩa vũ trang, nhấn mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân Việt Nam trong giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước. Nghị quyết hội nghị ghi rõ: "Phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù…" . Trong những hoàn cảnh nhất định "với lực lượng sẵn có ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”[2].
Chủ trương giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc và quan điểm về khởi nghĩa dân tộc của Hồ Chí Minh là sự chuẩn bị về đường lối và phương thức giành thắng lợi cho Cách mạng tháng Tám năm 1945.
2. Sáng lập Mặt trận Việt Minh, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và chuẩn bị lực lượng chính trị
Quy luật của vận động là tự thân vận động. Công cuộc giải phóng dân tộc bị áp bức không thể bị động trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài, mà trước hết phải dựa vào sức mạnh bên trong của mỗi dân tộc. Tuyên ngôn của Hội liên hiệp thuộc địa (1921) do Hồ Chí Minh khởi thảo nêu rõ: "Vận dụng công thức của Các Mác, chúng tôi xin nói với anh em rằng, công cuộc giải phóng anh em chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân anh em"[3].
Để có cơ thắng lợi, một cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Đông Dương “phải có tính chất một cuộc khởi nghĩa quần chúng chứ không phải một cuộc nổi loạn. Cuộc khởi nghĩa phải được chuẩn bị trong quần chúng"[4]. Người đánh giá sức mạnh của toàn dân vũ trang là một ưu thế tuyệt đối để đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, Người cho rằng: "Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng", lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm cả dân tộc: “dân tộc cách mệnh chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”, trong đó “công nông là gốc cách mệnh”, là “chủ cách mệnh”, còn “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh”.
Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng chủ trương tập hợp lực lượng toàn dân tộc, bao gồm công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, trung nông; tranh thủ hoặc trung lập phú nông, trung tiểu địa chủ và tư sản Việt Nam...; phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh.
Để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng, việc xây dựng lực lượng chính trị là mối quan tâm hàng đầu của Người. Đó vừa là cơ sở để xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng, vừa là lực lượng trực tiếp đấu tranh bằng những hình thức từ thấp đến cao. Lực lượng chính trị là đạo quân cách mạng đông đảo, bao gồm tất cả quần chúng được giác ngộ và tổ chức. "Muốn có đội quân vũ trang phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện cầm súng thì mới thắng được"[5].
Khi mới về nước (đầu năm 1941), Hồ Chí Minh chỉ đạo xây dựng thí điểm mặt trận Việt Minh ở Cao Bằng nhằm rút kinh nghiệm cho phong trào cả nước. Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) chủ trương vận dụng “một phương pháp hiệu triệu hết sức thống thiết, làm sao đánh thức được tinh thần dân tộc xưa nay trong nhân dân”. Vì thế mặt trận “không thể gọi như trước là mặt trận thống nhất dân tộc phản đề Đông Dương, mà phải đổi ra cái tên khác cho có tính chất dân tộc hơn”, đó là Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Các đoàn thể trong Việt Minh đều mang tên cứu quốc nhằm đoàn kết mọi người Việt Nam có lòng yêu nước thương nòi. “Trong khi tổ chức một đoàn thể cứu quốc điều cốt yếu là không phải những hội viên phải hiểu chủ nghĩa cộng sản, mà điều cốt yếu hơn hết là họ có tinh thần cứu quốc và muốn tranh đấu cứu quốc”[6]. Trong thư Kính cáo đồng bào (6-6-1941), Hồ Chí Minh viết: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều:
Toàn dân đoàn kết”.
“Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”. “Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có tài năng góp tài năng”[7].
Hồ Chí Minh kêu gọi quần chúng tham gia Việt Minh nhằm:
“Quyết làm cho nước non này,
Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền”[8].
Viết Bài ca du kích (1942), Người kêu gọi tất cả già trẻ, gái trai, dân lính đều tham gia đánh giặc. Trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944) Người khẳng định: cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân. Khởi nghĩa vũ trang không phải là một cuộc đấu tranh quân sự thuần tuý. Trong tác phẩm Con đường giải phóng, Người cho rằng: khởi nghĩa vũ trang là nhân dân vùng dậy dùng vũ khí đuổi quân cướp nước. Đó là một cuộc đấu tranh to tát về chính trị và quân sự, là việc quan trọng, làm đúng thì thành công, làm sai thì thất bại.
Việt Minh là khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, các đảng phái chính trị và tôn giáo yêu nước, có tác dụng cô lập cao độ kẻ thù đế quốc và tay sai để chĩa mũi nhọn đấu tranh vào chúng. Đó là nơi tổ chức, giác ngộ và rèn luyện lực lượng chính trị cho cách mạng, một lực lượng cơ bản và có ý nghĩa quyết định trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
3. Từng bước chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng
Ngay trong thời kỳ vận động thành lập Đảng, Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đào tạo cán bộ quân sự, nghiên cứu lý luận quân sự, đặt nền móng cho sự ra đời lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam.
Là một nhà hoạt động quốc tế, Hồ Chí Minh nghiên cứu các vấn đề quân sự ở nhiều nước trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc những nội dung tích cực, phù hợp của tinh hoa quân sự thế giới. Nghiên cứu về quân đội ở Trung Quốc, Người ghi chép Những hiểu bết cơ bản về quân sự. Người cũng quan tâm nghiên cứu, phổ biến kinh nghiệm tổ chức, xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang ở cơ sở. Những năm 1941-1944, Người viết Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Pháp, Kinh nghiệm du kích Nga. Những di sản quân sự phương Đông cổ đại được người chắt lọc qua việc biên dịch Phép dùng binh của ông Tôn Tử (1943), Phép thuật làm tướng của Khổng Minh. Đặc biệt, Người biên soạn nhiều tài liệu huấn luyện cán bộ quân sự, tiêu biểu là Chiến thuật du kích.
Cách mạng phải có nơi đứng chân để giải quyết vấn đề tiềm lực. Theo Hồ Chí Minh, cách mạng phải có chỗ đứng chân, chỗ đứng chân vững chắc nhất là lòng dân. Người hết sức chú trọng các yếu tố nhân hoà và địa lợi. Năm 1940, khi còn ở Quế Lâm, Hồ Chí Minh đã tính đến việc xây dựng căn cứ địa ở Cao Bằng, rồi phát triển xuống Thái Nguyên. Đầu năm 1941, khi mới về nước Người chọn Cao Bằng làm nơi đứng chân đầu tiên vì đó là nơi "có phong trào tốt từ trước", "có hàng rào quần chúng bảo vệ", lại là nơi có địa thế hiểm yếu, “tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về xuôi thì cách mạng mới thắng lợi. Trong thời kỳ kháng Nhật cứu nước, khi vùng giải phóng ở Việt Bắc được mở rộng, bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Khu giải phóng và củng cố thành căn cứ địa cách mạng cho cả nước.
Trên cơ sở lực lượng chính trị phát triển mạnh ở Cao Bằng, các đội tự vệ cứu quốc ra đời. Cuối năm 1941, Người chỉ thị thành lập một đội vũ trang nhỏ gồm 12 chiến sĩ, làm các nhiệm vụ: bảo vệ cơ quan đầu não, giao thông liên lạc và huấn luyện tự vệ cứu quốc.
Cuối năm 1944, Người ra Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, xác định nguyên tắc tổ chức, phương thức hoạt động và phương châm tác chiến của lực lượng vũ trang. Đó là Cương lĩnh quân sự đầu tiên của Đảng. Chấp hành chỉ thị này, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, lúc đầu có 34 chiến sĩ, do Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Ba ngày sau, Đội đánh thắng hai trận liên tiếp ở Phai Khắt và Nà Ngần. Đó là “đội quân đàn anh”. “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”[9].
Thực hiện tư tưởng vũ trang quần chúng cách mạng, xây dựng quân đội nhân dân của Hồ Chí Minh, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân được thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân (5-1945), đồng thời lực lượng bán vũ trang gồm các đội du kích, tự vệ và tự vệ chiến đấu được xây dựng ngày càng rộng khắp ở các địa phương và cơ sở.
Quá trình chuẩn bị lực lượng là một quá trình kết hợp tổ chức và đấu tranh, thông qua đấu tranh để rèn luyện lực lượng và củng cố tổ chức. Bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng. Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đều là chỗ dựa của bạo lực cách mạng, là điều kiện để kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trong một cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân, tạo ra sức mạnh áp đảo, làm tan rã bộ máy chính quyền của đế quốc và tay sai, thiết lập chính quyền cách mạng.
4. Chủ động đánh giá thời cơ và kiên quyết chớp đúng thời cơ, phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền
Để tiến hành khởi nghĩa thắng lợi phải có đủ điều kiện chủ quan, khách quan và phải nổ ra đúng thời cơ. Cùng với việc chuẩn bị lực lượng chu đáo, Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng hết sức coi trọng vấn đề thời cơ cách mạng. Khi còn ở Quế Lâm, Trung Quốc (11-1940), nghe tin về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Người nói: Tình hình chung trên thế giới ngày càng có lợi cho ta, nhưng thời cơ chưa đến, chưa thể khởi nghĩa được. Song nay khởi nghĩa đã nổ ra rồi, thì cần rút lui cho khéo để duy trì phong trào. Là bậc thầy về tạo lực, lập thế, tranh thời, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề thời cơ. Trong bài thơ Học đánh cờ, Người viết: “Phùng thời, nhất tốt khả thành công” (Gặp thời, một tốt có thể thành công)[10].
Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng (5-1941) khẳng định: “Cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”. Chúng ta phải “luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù”[11].
Vận dụng luận điểm của Lênin về tình thế cách mạng, trong tác phẩm Con đường giải phóng do Hồ Chí Minh chỉ đạo biên soạn, nêu ba điều kiện của thời cơ khởi nghĩa:
Một là, chính quyền thực dân đế quốc đã lung lay bối rối đến cao độ, chúng đã cảm thấy không thể ngồi yên nắm giữ địa vị của chúng như trước.
Hai là, quần chúng đói khổ đã căm thù thực dân đế quốc đến cực điểm, đã thấy cần phải đồng tâm hiệp lực, nổi dậy lật đổ ách thống trị của đế quốc thực dân, vì mọi người hiểu rằng nếu ngồi yên cũng chết.
Ba là, đã có một chính đảng cách mạng đủ sức tổ chức, lãnh đạo quần chúng nổi dậy khởi nghĩa theo một đường lối đúng đắn, một kế hoạch phù hợp, đảm bảo giành thắng lợi cho cuộc khởi nghĩa.
Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành Trung ương Đảng nêu rõ muốn gây cuộc khởi nghĩa bằng võ trang phải nhằm vào các điều kiện chủ quan:
“1) Mặt trận cứu quốc đã thống nhất được toàn quốc.
2) Nhân dân không thể sống được nữa dưới ách thống trị của Pháp – Nhật, mà đã sẵn sàng hy sinh bước vào con đường khởi nghĩa.
3) Phe thống trị Đông Dương đã bước vào cuộc khủng hoảng phổ thông đến cực điểm vừa về kinh tế, chính trị lẫn quân sự.
4) Những điều kiện khách quan thuận lợi cho cuộc khởi nghĩa Đông Dương như quân Tàu đại thắng quân Nhật, Cách mạng Pháp hay Cách mạng Nhật nổi dậy, phe dân chủ đại thắng ở Thái Bình Dương, Liên Xô đại thắng, cách mạng các thuộc địa Pháp, Nhật sôi nổi và nhất là quân Tàu hay quân Anh – Mỹ tràn vào Đông Dương”[12].
Tháng 6-1941, trong thư Kính cáo đồng bào, Hồ Chí Minh chỉ rõ một trong các nguyên nhân thất bại của các cuộc khởi nghĩa trước đây là vì cơ hội chưa chín. Mùa thu 1944, Người chỉ thị hoãn cuộc khởi nghĩa ở Cao - Bắc - Lạng vì cả nước chưa có điều kiện hưởng ứng, kẻ thù có thể tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa ở một địa phương.
Đảng và Hồ Chí Minh luôn chủ động dự đoán thời cơ. Đánh giá chính xác xu thế phát triển của thời cuộc, tháng 10-1944, Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào toàn quốc, nêu rõ: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”[13].
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, hàng ngũ chỉ huy của Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm; quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần; thế lực Việt gian thân Nhật hoảng sợ. “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi”. “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới”.
Tuy nhiên thời cơ này không tồn tại vĩnh viễn. Nó sẽ biến mất khi quân Đồng minh vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Với bản chất thực dân đế quốc, họ có thể dựng ra một chính quyền trái với ý chí và nguyện vọng của dân tộc Việt Nam. Đế quốc Pháp đang lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương. Các thế lực phản động trong nước đang tìm cách thay thầy đổi chủ. Thời cơ cách mạng chỉ tồn tại trong khoảng thời gian từ khi quân phiệt Nhật đầu hàng Đồng minh đến trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đó là lúc kẻ thù cũ đã ngã gục, nhưng kẻ thù mới chưa kịp đến, là lúc so sánh lực lượng có lợi nhất đối với cách mạng.
Ngày 16-8-1945 Hồ Chí Minh kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ"[14]. Với tinh thần kiên quyết chớp thời cơ, Người căn dặn: lúc này thời cơ vô cùng thuận lợi đã đến. Dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được tự do và độc lập. Với tầm nhìn xa, trông rộng, Người chỉ rõ: phải giành được chính quyền và đứng ở vị thế người làm chủ nước nhà để đón tiếp quân Đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam nhất tề nổi dậy ở cả thành thị và nông thôn. Cách mạng Việt Nam tiến đến bước nhảy vọt vĩ đại: nhanh chóng chuyển từ khởi nghĩa từng phần trong cao trào kháng Nhật cứu nước lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.
Nhờ có sự chuẩn bị lực lượng chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ, cách mạng tháng Tám đã giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đó là một điển hình thành công về nghệ thuật tạo thời cơ, dự đoán thời cơ, nhận định chính xác thời cơ, đồng thời kiên quyết chớp thời cơ phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
5. Sáng lập thể chế chính trị cộng hòa dân chủ và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế mới dân chúng được hạnh phúc”[15].
Hồ Chí Minh rất quan tâm xem xét các mô hình nhà nước và thể chế chính trị ở Mĩ, Pháp, Liên Xô. trong Chánh cương vắn tắt, Người chủ trương “dựng ra chính phủ công nông binh”. Đó là chính quyền nhà nước của quảng đại quần chúng lao động bị áp bức đứng lên giành độc lập tự do. Mặc dù vậy, đến năm 1941, Người chủ trương thay hình thức chính quyền công nông bằng hình thức cộng hòa dân chủ cho phù hợp với tính chất và lực lượng cách mạng ở thuộc địa. “Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc, chỉ trừ có bọn tay sai của đế quốc Pháp – Nhật và những bọn phản quốc, những bọn thù, không được giữ chính quyền, còn ai là người dân sống trên dải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền ấy”[16]. Trong khi tuyên truyền “Không nên nói đánh đổ Nam triều phong kiến và tịch thu ruộng đất của địa chủ mà nói diệt trừ bọn Việt gian phản quốc..., không nên nói công nông liên hiệp và lập chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hợp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa”[17]. “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ thành lập chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà... Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra"[18].
Khi thời cơ giải phóng dân tộc Việt Nam đang đến gần, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (10-1944 ), Hồ Chí Minh nói: trước hết cần có một chính phủ đại biểu cho sự chân thành và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân, gồm tất cả các đảng phái cách mệnh, các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. “Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”[19].
Từ mô hình nhà nước công nông binh chuyển sang mô hình nhà nước đại biểu cho khối đoàn kết dân tộc là một quyết định sáng suốt của Hồ Chí Minh, phản ánh nét đặc thù của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc ở nước Việt Nam thuộc địa với những tàn tích phong kiến nặng nề, phù hợp với sự thay đổi chiến lược và sách lược của cách mạng trong giai đoạn trực tiếp vận động cứu nước.
Với chủ trương thành lập thể chế cộng hoà dân chủ, Đảng và Hồ Chí Minh không coi triều đình nhà Nguyễn nói chung, vua Bảo đại nói riêng là kẻ thù của cách mạng, mặc dù họ không chống Pháp, tồn tại trên cơ sở đầu hàng và nhờ sự dung dưỡng của thực dân Pháp. Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Bảo Đại có ảo tưởng “giành độc lập” bằng cách thành lập nội các Trần Trọng Kim, tập hợp một số trí thức yêu nước[20], nhưng không có bất cứ hành động nào chống lại quân phiệt Nhật.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh. Quốc dân Đại hội họp tại Tân trào (16 và 17-8-1945) cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, “để lãnh đạo toàn quốc nhân dân kiên quyết đấu tranh kỳ cho nước được độc lập”[21].
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công. Chính quyền của Nhật và tay sai bị đập tan. Tàn dư của chế độ quân chủ chuyên chế do thực dân Pháp duy trì ở Việt Nam được xoá bỏ bằng Tuyên cáo thoái vị của Hoàng đế Bảo đại[22]. “Chính quyền cách mạng được thừa nhận, hợp pháp hóa một cách vẻ vang nhất bởi sự tham gia cuồng nhiệt của toàn thể nhân dân Việt Nam”[23].
Theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi về Hà Nội (25-8-1945), Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với 15 thành viên do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời (28-8-1945) nêu khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết! Tranh thủ hoàn toàn độc lập!”. Đó “thật là một chính phủ quốc gia thống nhất giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ Dân chủ Cộng hòa chính thức”[24].
Ngày 2-9-1945, Lễ Độc lập được tổ chức trọng thể tại Quảng trường Ba Đình. Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân. Thay mặt Chính phủ lâm thời, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước của dân tộc, do dân tộc và vì dân tộc. Người khẳng định:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”[25].
Là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kiến trúc sư của thể chế chính trị cộng hoà dân chủ Việt Nam, rồi tiếp tục cùng cả dân tộc kiên cường kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” và kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975) với quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội"[26].
Tác giả: PGS.TS Vũ Quang Hiển
Nguồn: http://www.ussh.vnu.edu.vn[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 113
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 112-132.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 137.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 520.
[5] Vũ Anh: Hồi ký Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1960, tr. 120.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr. 124-125.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 230.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Sđd, tr. 242
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Sđd, tr. 508.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Sđd, tr. 324.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr. 131.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr. 130.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr. 130.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Sđd, tr. 596.
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 2, Sđd, tr. 292.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr. 114.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr 127.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, t. 7, Sđd, tr. 150.
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Sđd, tr. 537.
[20] Sau khi Nhật đảo chính lật đổ Pháp ở Đông Dương (9-3-1945), vua Bảo Đại mời Trần Trọng Kim - một trí thức không đảng phái, một người từng làm công tác quản lí giáo dục và viết sử, tuy nhiệt tâm yêu nước nhưng chưa phải là một người cách mạng. Vua Bảo Đại đã từng nói với Trần Trọng Kim: "Trước kia người mình chưa độc lập, nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta...". Xem: Trần Trọng Kim: Một cơn gió bụi, Nxb. Vĩnh Sơn, 1969, Sài Gòn, tr. 51.
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 3, Sđd, tr. 595.
[22] Trước khí thế cách mạng của quần chúng trong những ngày tháng Tám, Khâm sai Bắc Bộ là Phan Kế Toại từ chức, nhiều trí thức trong nội các do Bảo Đại thành lập tỏ rõ thái độ ủng hộ Việt Minh, kính trọng và khâm phục Hồ Chí Minh. Mặt trận Việt Minh không những không bắt bớ hay trả thù một người nào trong chính phủ Trần Trọng Kim mà còn lôi cuốn được một số bộ trưởng tham gia vào Chính phủ Liên hiệp sau này. Với bản chất yêu dân yêu nước, lại được Hồ Chí Minh tin dùng, nhiều trí thức lúc đó tiếp tục đóng góp tài sức cho dân, cho nước, tiêu biểu là Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch…
[23] Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1977, tr. 102.
[24] Việt Nam dân quốc công báo, ngày 29-9-1945.
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 3.
[26] Nghị quyết của UNESSCO, Hội thảo quốc tế Chủ tịch Hồ chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá lớn, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1990, tr. 5.
0 Nhận xét